Ý nghĩa của stress

stress-thoi-mien-dieu-tri

Chúng ta cần stress. Nếu không có stress, cuộc sống của chúng ta thiếu đi sự sôi động, thiếu đi những thách thức.Từ một cách nhìn tích cực, stress là một nguồn động cơ thúc đẩy và một cấu thành cần thiết cho sự sinh tồn.Thí dụ, các vận động viên, các nghệ sĩ không thể đạt được thứ hạng cao đưa đến thành công và vinh quang nếu họ không có sự lo lắng, tích cực trong thời gian tập luyện trước khi trình diễn.

Tất cả chúng ta đều cần một sức bật tiến tới trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt khi chúng ta đang trải qua kỳ thi, đi phỏng vấn xin việc làm,chơi thể thao hoặc đang đảm nhận những nhiệm vụ, những công việc nhất định. Nếu chúng ta biết kiểm soát và chế ngự tâm trạng căng thẳng một cách đúng đắn thì stress có thể thực sự trở thành một người bạn hoặc đồng minh của chúng ta.

Tất nhiên, nếu stress quá mức hoặc kéo dài có thể là điều bất lợi và có thể gây tổn hại cho sức khỏe của chúng ta. Ở liều lượng lớn, stress là tiêu cực nếu nó không được giảm căng thẳng đi bởi những thời gian thư giãn. Do đó, sự khôn ngoan của con người là tránh không để cho mình rơi vào tình trạng quá căng thẳng. Tất cả chỉ là vấn đề giữ quân bình tâm lý.

Để làm việc tốt, không nhất thiết chúng ta phải căng thẳng một cách không chính đáng. Chúng ta chỉ cần cảm thấy hơi đủ căng thẳng để tạo động cơ làm việc. Nhưng nếu luôn phải làm việc dưới sức ép, cơ thể con người bị hao mòn rất lớn, hệ thống miễn dịch bị bẻ gẫy và chúng ta dễ nhiễm bệnh, chúng ta kiệt sức.

Một thực tế nữa, cảm nhận về stress có sự khác nhau giữa cá nhân này với cá nhân khác. Thí dụ, việc đặt kế hoạch cho một dự án mới có thể là sự thử thách năng lực cho một người này, nhưng hoàn toàn là sự tàn phá đối với một người khác. Môn thể thao sky-diving là môn gây phấn khích cho một số người nhưng lại là một thử thách đáng sợ cho đa số người. Sự khác nhau này mang tính cá nhân và stress là sự duy nhất, cá biệt cho cá nhân. Cách thức phản ứng của chúng ta phụ thuộc vào đặc tính gene và những trải nghiệm trước đây của chúng ta.

Tuy nhiên, có một số sự kiện được xem là stress cho mọi người, như cái chết của thành viên gia đình hay người bạn mà mình yêu mến. Cường độ mãnh liệt của stress được một người trải nghiệm liên quan đến việc người đó ứng phó ra sao với sự đe dọa hoặc sự mất mát. Nếu không có kỹ năng ứng phó, người đó chắc chắn sẽ cảm thấy bị ngập lụt.

Tóm lại, stress là nguyên nhân và cũng là hậu quả, nó có tác động luân lưu và tiềm tàng, âm ỉ. Chúng ta không thể nhìn thấy những tác hại tích lũy của stress, vì vậy, vũ khí tốt nhất để chống trả stress là phải đề phòng.

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ

Nguồn: http://www.tamlythuchanh…/y-nghia-cua-stress-109/

Leave a Reply