Thôi miên qua tư liệu nước ngoài:

Thôi miên được minh oan sau nhiều sự cố

GiadinhNet – Để hiểu rõ hơn về thôi miên và những tác dụng của nó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Quân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí.

 
Nguyen-manh-quan
Ông Nguyễn Mạnh Quân đang thực hiện liệu pháp thôi miên.
 
Tác dụng của thôi miên rất tốt nhưng thời gian đầu, xuất hiện ở nước nào cũng gặp nhiều trở ngại, ở Việt Nam cũng vậy. Tại sao ông vẫn mang thôi miên về Việt Nam?
 
– Thôi miên là bộ môn khoa học rất hữu ích cho sự phát triển của con người kể cả thể chất, tâm lý và trí tuệ nên tôi muốn nhân rộng nó ở Việt Nam, đồng thời xóa bỏ cách hiểu không đúng với bản chất của nó. Tôi cũng lường trước những khó khăn mà mình sẽ gặp phải, tuy nhiên tôi tin sẽ có ngày mọi người sẽ hiểu về thôi miên, và khi đó tôi sẽ được ủng hộ.
 
Trên thực tế thôi miên có lịch sử rất lâu đời. Ở mỗi một giai đoạn lịch sử, mỗi một nền văn hóa, mỗi quốc gia thì thôi miên lại được hiểu và được định nghĩa bằng những thuật ngữ khác nhau. Có thể kể đến những thuật ngữ để tham chiếu tới cùng một trạng thái của thôi miên như: thiền, yoga, hay “gần gũi” hơn với Việt Nam, là cảm xạ, nhân điện…
 
Thời gian đầu, thôi miên được sử dụng dưới hình thức là những phép màu, huyền bí, ngày nay người ta gọi là thôi miên cổ điển. Tức là dùng chính đức tin vào những thế lực siêu nhiên để giúp mang lại sức khỏe cho con người. Có không ít nhà khoa học đi đầu trong việc đưa thôi miên đến cho đất nước của họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi để bảo vệ quan điểm của mình.
 
Cho đến khi thôi miên được thừa nhận trên đất nước của họ thì công lao của những người đó được ghi nhận trong sự nuối tiếc, ân hận. Chẳng hạn, Mesmer bị buộc tội là lang băm và phải rời khỏi Viên vào năm 1778. Mesmer chuyển đến Paris, nơi ông đã cùng với một đồng nghiệp người Pháp mở một “phòng điều trị bằng phương pháp nhân điện”.

Khi đưa thôi miên về Việt Nam, ông có nghĩ mình sẽ phải trả một cái giá đắt không, vì người hiểu đúng về thôi miên hiện vẫn còn ít?

– Tôi chỉ là người may mắn được học, nghiên cứu và giải mã ra được nó rồi ứng dụng thôi miên. Vì vậy “cái giá” mà tôi phải trả sẽ không quá khắt nghiệt như các vị tiền bối. Nhưng những “búa rìu” dư luận giáng xuống thôi miên thời gian vừa qua cũng khá nhiều:
 
Có thông tin cho rằng đó là thôi miên vẫn còn đang nằm giữa ranh giới giữa ảo và thực chưa được giới khoa học chấp nhận; thôi miên là một trong những lĩnh vực thuộc về tâm linh; thỉnh thoảng một số báo hay dư luận lại nói rằng bị thôi miên mà mất của…
 
Tuy nhiên, những thông tin chưa đúng về thôi miên này không hoàn toàn “giết chết” thôi miên ở Việt Nam mà nhiều khi nó lại tạo cơ hội cho thôi miên thể hiện mình và phát triển. Chẳng hạn như màn kịch mất vàng ở Quảng Ngãi. Những người dàn dựng định đổ lỗi cho thôi miên nhưng sau đó chính màn kịch này đã minh oan cho thôi miên.
 
Gần đây nhất là cái chết vì áp vong nhập hồn của chị Nguyễn Thị Bính ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã buộc mọi người phải nhìn nhận nghiêm túc về hoạt động của thần kinh, của bộ não con người. Trong đó, thôi miên đi đúng với quy luật vận động của các phản ứng của thần kinh, tâm lý, các nguyên tắc hoạt động của bộ não. Có thể nói là thôi miên được đưa ra ngoài ánh sáng sau nhiều sự cố.

Hơn nữa, nếu bất kỳ ai muốn hiểu rõ, hiểu đúng về thôi miên đều có thể tìm tài liệu và nghiên cứu về nó qua các website nước ngoài (Ví dụ http://ngh.net/; http://www.meduniwien.ac.at/hypnose/)

Có thông tin cho rằng sự ầm ĩ về thôi miên trong thời gian vừa qua là do ông muốn làm thương hiệu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Thôi miên không cần phải tạo thêm thương hiệu vì nó đã có “thương hiệu” từ lâu rồi. Hiện nay, chúng ta đã nghe quá quen với những từ như: Lập trình tư duy, nhà huấn luyện mental, tập yoga, tham gia các khóa học kỹ năng làm giàu, kỹ năng thành đạt… Tất cả các kỹ năng đó đều yêu cầu chúng ta phải hình dung và cảm nhận điều này, điều kia… Đó chính là các hiệu ứng và các kỹ thuật của thôi miên, chẳng qua họ không dùng từ “thôi miên” mà thôi.
 
Còn nói “tạo thương hiệu” cho riêng tôi thì các bạn đã đặt ra cho tôi một câu hỏi hoàn toàn ngược. Vì tôi có thể chia sẻ với các bạn là sự nghiêm túc của chính tôi chứ không phải là “tạo thương hiệu”. Tôi đã và luôn luôn tôn trọng cộng đồng và nói thật.

Trước những thắc mắc của dư luận thời gian qua về thôi miên, ông có những bộc bạch, chia sẻ gì với bạn đọc?

– Nói về sức mạnh của liệu pháp thôi miên thì rất tuyệt vời, vì khi học xong chúng ta sẽ biết cách sử dụng sức mạnh của chính mình để phát huy và thay đổi bản thân trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Liệu pháp thôi miên mang đến là những kỹ thuật tác động vào bộ não để cho chính chúng ta tự thay đổi và làm được những điều này, chứ không phải một đấng cao siêu nào đó đã phù phép để giúp chúng ta.
 
Thôi miên không phải là phép thuật nhưng những gì nó có thể làm được lại vô cùng huyền diệu. Những kiến thức trong lĩnh vực thôi miên là cần thiết đối với mỗi cá nhân. Dù ở thời điểm này, thôi miên đối với phần lớn người Việt vẫn là kiến thức hoàn toàn mới mẻ nhưng tôi tin sẽ không lâu nữa nó sẽ được hiểu đúng và được mọi người chấp nhận.
 
Một điều nữa là học thôi miên xong thì không lừa được ai. Vì người không muốn, không hợp tác với nhà trị liệu sẽ không vào được trạng thái thôi miên.
 
Trân trọng cảm ơn ông.
Tuệ Minh – Thu Huyền
Báo Gia đình xã hội
Nguồn:http://giadinh.net.vn/suc-khoe/thoi-mien-duoc-minh-oan-sau-nhieu-su-co-20120417025226817.htm

Leave a Reply