Sự thắng thế của “y học dịu dàng” ở Tây phương

y-hoc-diu-dang

Thôi miên, châm cứu, chữa bệnh bằng cách tác dụng vào tai, vào mắt hay vào bàn chân đang là những phương pháp được nhiều người quan tâm. Cũng không ít người phản đối những cách chữa bệnh không dùng thuốc men hay dao kéo này. Nhưng sự thật vẫn là sự thật…

Y học bịp bợm?

“Cuộc chiến” y học đang bùng nổ trong lòng nước Pháp, cũng như trong nhiều nước khác ở châu Âu. “Cuộc chiến” này không liên quan một loại biệt dược nào. Nó lôi vào cuộc bao nhiêu người vì tranh chấp giữa một nền y học chính thống và một nền “y học dịu dàng”, theo cách gọi của người Pháp.

“Y học dịu dàng” hay “y học ôn hòa” gồm những phương pháp trị bệnh như châm cứu, vi lượng đồng căn liệu pháp, thôi miên, cảm xạ học. Những người thực hiện các kiểu chữa bệnh này tự xếp mình vào trường phái tự do, không chịu sự quản lý và “lên lớp” của ai cả. Trong khi ở nhiều nước châu Á và châu Phi, các loại dược thảo là chuyện bình thường thì ở phương Tây, chúng không dễ dàng chiếm một chỗ đứng. Nhưng rõ ràng là số người tìm đến “y học dịu dàng” ngày càng tăng.

Theo một cuộc điều tra của CREDES (Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ sức khỏe Pháp) thì gần 3 triệu người Pháp đã quay lưng với y học chính thống để tìm đến các “thầy chữa” chưa được Bộ Y tế công nhận. Hàng năm, Pháp có khoảng 7 triệu ca châm cứu không chính thức (những ca chính thức diễn ra ở những bệnh viện có khoa châm cứu). Ở Anh, Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italia, con số này có ít hơn, nhưng vẫn tăng đều.

Một số bệnh nhân nói thẳng rằng: “Chúng tôi mất lòng tin vào y học chính thống vì phải chờ đợi kết quả trị liệu quá lâu”. Điều làm người ta thích thú là y học phương Đông có những quan niệm nghe có vẻ hết sức lạ lùng, chẳng hạn “chữa liên hoàn” hay “chữa gián tiếp”. Một cái đầu không yên ổn sẽ gây loét dạ dày và viêm gan, đó là những “triết lý” mới mà bệnh nhân mới nghe lần đầu.

Một số bác sĩ và chuyên gia bắt đầu cho rằng: “Tại sao người ta lại không có quyền quay sang cách điều trị khác, nếu cách điều trị cũ đã tỏ ra vô tác dụng?”. Một số phương pháp châm cứu ở tai (ở các huyệt cố định) đã thuyết phục hoàn toàn nhiều người vì khả năng kỳ diệu của nó, không có gì là bí ẩn hay lừa bịp. Nếu lòng bàn chân có đủ các huyệt đạo tương ứng với phổi, gan, thận, cơ quan sinh dục thì tai cũng có “vị thế” của nó.

Nhĩ liệu pháp ra đời ở Pháp năm 1982, rất muộn màng so với nhiều nước châu Á. Thuở ấy, báo chí y học làm ầm lên về việc “các lang vườn da vàng đã xâm lăng chúng ta”. Nhưng một ca liệt chi trên được chữa bằng phương pháp này (chỉ sau 3 lần châm ở tai, mỗi lần 2 cây kim truyền điện) là bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn. Kết quả gây chấn động làng y châu Âu. Chỉ có điều người ta muốn nhấn mạnh là, nhĩ liệu pháp không phải là phương pháp trị bách bệnh.

Bác sĩ David Alimi, nhà thần kinh học ở Bệnh viện Gustave – Ronssy cho biết: “Một số bệnh nhân yêu cầu chúng tôi giải quyết bệnh AIDS hay ung thư cho họ. Đó là điều hết sức phi lý”.

Ngoài ra, các nhà trị liệu còn phải đối phó với những tin đồn hết sức nhảm nhí, chẳng hạn “chỉ cần nhét vào tai những hòn bi bằng kim loại là các khối u ác tính sẽ tự hủy diệt”. Những cuộc “tự trị liệu” như thế tất nhiên chẳng đem lại kết quả gì và “y học dịu dàng” bỗng mang tiếng là bịp bợm. Một trong những cách trị liệu hữu hiệu nữa là massage chân.

Ông Alain Fournenu, 52 tuổi, cựu vận động viên marathon, bị “đau thốn ở chân và bụng dưới từ 6 năm nay, không ngủ được và hoàn toàn suy nhược”. Theo lời giới thiệu, ông đến Bệnh viện Cochin (Paris) và xin trị liệu bằng phương pháp massage chân. Sau 2 tuần, các cơn đau giảm hẳn, Alain đã ăn ngon ngủ yên và sau 1 tháng ông đã có thể chạy bộ một mạch 10km mà không hề hấn gì.

“Dịu dàng” và “chính thống”

Dù một số bác sĩ “chính thống” kịch liệt phản đối nhưng “y học dịu dàng” vẫn thuyết phục rất nhiều người. Những ai bênh vực cho nó có đủ lý lẽ để bênh vực, chẳng hạn một yếu tố hết sức quan trọng là tâm lý. “Y học dịu dàng” có tác dụng tâm lý rất tích cực cho bệnh nhân, đem lại cho họ cảm giác tin tưởng, thư thái, an toàn. Mà điều này thì y học chính thống đã nhìn nhận từ lâu: “Đầu óc thảnh thơi là khỏi bệnh một nửa”.

Thôi miên cũng đang chinh phục rất nhiều người, đặc biệt là những ai mất ngủ, rối loạn tâm thần, các chứng bệnh sợ (sợ độ cao, sợ đám đông, sợ chết đuối…).

[img]http://www.petrotimes.vn/wp-content/uploads/2012/05/thoi-mien.jpg?fd2eae[/img]

Tại Bệnh viện Amlrroise-Paré (Boulogue, Pháp), thôi miên là một trong những cách thức trị liệu chủ lực. Một số bệnh nhân bị tật ngáy quá to hay nghiến răng đã tìm đến đây và hoàn toàn bình phục. Một nguyên tắc quan trọng nữa của thôi miên là bệnh nhân phải hoàn toàn “thả lỏng, thụ động”, nếu anh ta cưỡng lại hoặc cứ để trí óc suy nghĩ lung tung thì việc điều trị sẽ thất bại. Giáo sư Jean-Marc Benhaiem nhấn mạnh như thế “để thôi miên đừng chịu tiếng oan là trò đồng bóng”.

Pháp thật ra vẫn đi sau các nước láng giềng. Ở Bỉ, trong tất cả các bệnh viện, thôi miên đã chính thức xuất hiện từ lâu. Các bác sĩ phẫu thuật ở Bỉ thường công khai phối hợp với các nhà thôi miên trong các ca mổ, kể cả phẫu thuật thẩm mỹ. Các chuyên gia về thôi miên ở Đức, Áo hay Italia đều dùng nó để trị nhiều bệnh, trong khi Pháp mới “quanh đi quẩn lại” ở vài bệnh. Một số chuyên gia có tầm cỡ thì chưa được nhiều người biết đến.

Nhiều vận động viên có tên tuổi như Dugarry, Ravanelli (bóng đá), Saint-André (bóng bầu dục) hay Patricia Girard (điền kinh) đều phải nhờ cậy chuyên gia Patrick Peytavi. Patrick tự soạn ra các giáo trình hô hấp và cách massage cơ thể để “người ta có thể đạt mức năng lượng cao nhất”. Yếu tố tinh thần được Patrick xem trọng. Chẳng hạn việc nhìn thật kỹ 3 màu: lục, đỏ và xanh dương, tất nhiên là tùy thời điểm. Màu đỏ trước trận thi đấu sẽ mang lại cảm giác phấn khích. Trong giờ giải lao, màu lục sẽ giúp vận động viên hồi sức. Còn trước một trận chung kết hay bán kết, vận động viên sẽ cần 1-2 ngày nhìn màu lục để có trạng thái tâm lý ổn định và nhẹ nhàng. Trong thời đại của thuốc kích thích thì những cách “dịu dàng” như thế rất đáng được ủng hộ.

Một số chuyên gia khẳng định rằng họ sẽ làm cho não bệnh nhân tiết ra nhiều hormone có lợi hơn, chẳng hạn mélatonine, bằng cách massage đầu. Có gì đâu là bịp bợm? Người ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào việc chữa trị bệnh tiểu đường, bệnh chán ăn hoặc ăn không biết chán. Còn giả dược (placebo) cũng không đáng bị lên án. Tại sao phải lên án nó, một khi nó tạo ra những tác dụng hết sức tích cực? Các thầy thuốc Venezuela vẫn trị bệnh hen suyễn cho trẻ em bằng những viên thuốc ngọt có vanille, mà bệnh vẫn thuyên giảm.

Nhiều công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí y học có uy tín đã nhìn nhận hiệu quả trị liệu của “y học dịu dàng”, dù nó có “thoát ra khỏi quy tắc logic của y học chính thống”. Càng ngày người ta càng chú trọng đến khía cạnh “giảm sốc” cho bệnh nhân, thay vì nói lên sự thật phũ phàng. Điều còn lại là liệu các đại biểu của nền y học chính thống có thừa nhận tuyệt đối “y học dịu dàng”?

Nguồn: http://www.petrotimes.vn…c-diu-dang-o-tay-phuong

Leave a Reply