http://www.scientificame…hypnosis-a-distinct-form
Is Hypnosis a Distinct Form of Consciousness?
Tác giả: Scott O. Lilienfeld and Hal Arkowitz | January 8, 2009
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong thôi miên, thân chủ không ở trong trạng thái như ngủ mà rất tỉnh táo.
Nhà thôi miên đung đưa cái đồng hồ quả lắc bỏ túi trước mặt thân chủ, và ngân nga “Bạn đang thiếp xuống…Bạn đang thiếp xuống…”. Đầu của thân chủ đột ngột gục xuống. Anh ta đang ở trong trạng thái thôi miên sâu, giống như ngủ, không để ý tới những gì xung quanh mà chỉ tập trung vào giọng nói nhẹ nhàng của nhà thôi miên. Không thể cưỡng lại nổi ảnh hưởng của nhà thôi miên, thân chủ tuân theo mọi mệnh lệnh, bao gồm cả chỉ dẫn diễn lại một cảnh xấu hổ nào đó khi còn trẻ con. Nửa tiếng sau, khi “tỉnh dậy” từ trạng thái thôi miên, anh ta không còn nhớ gì về những điều đã xảy ra.
Thực tế, cái mô tả quen thuộc vốn xuất hiện trong rất nhiều phim ảnh này đang thể hiện một loạt các quan niệm sai lầm về thôi miên. Hầu như không có nhà thôi miên hiện đại nào còn sử dụng cái đồng hồ quả lắc bỏ túi danh tiếng được nhà phẫu thuật mắt James Braid người Scotland vào giữa thế kỉ 19 đưa ra. Mặc dù nhiều nhà thôi miên cố gắng để thân chủ bình tĩnh trong quá trình “tiền cảm ứng”, phương pháp thư giãn này hoàn toàn không cần thiết; người ta hoàn toàn có thể bị thôi miên khi đang đạp rất nhanh cái xe đạp trong phòng tập. Các nghiên cứu điện não đồ (EEG) khẳng định rằng trong suốt quá trình thôi miên, thân chủ không ở trong trạng thái giống như ngủ mà rất tỉnh – mặc dù đôi lúc hơi mơ màng. Hơn nữa, các thân chủ cũng hoàn toàn có thể chống lại các ám thị của nhà thôi miên và điều này khác xa hoàn toàn với khái niệm người máy không có ý thức. Cuối cùng, nghiên cứu bởi nhà tâm lý học Nicholas Spanos của trường đại học Carleton ở Ontario chỉ ra rằng việc không nhớ lại những gì diễn ra trong quá trình thôi miên – hay chứng quên sau thôi miên – không phải là đặc điểm nội tại của thôi miên, và chứng quên này chỉ xảy ra khi thân chủ được bảo là hãy mong đợi điều đó xảy ra.