Thuốc lá rất có hại cho sức khỏe con người. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gia tăng nguy cơ viêm phế quản, ung thư phổi, ung thư môi miệng, bệnh về tim mạch và tăng huyết áp…
Đặc biệt, hút thuốc không những nguy hiểm cho chính bản thân người hút mà còn có hại đến sức khỏe của những người xung quanh, nhất là cho trẻ em và phụ nữ có thai. Ngày nay có nhiều phương pháp cai nghiện thuốc lá như dùng miếng dán, dùng thuốc thay thế cho thói quen hút thuốc… Bài viết này chúng tôi mong muốn giới thiệu đến bạn đọc cách dùng châm cứu để cắt cơn thèm thuốc và phương pháp thôi miên để thay đổi về nhận thức.
Châm cứu hỗ trợ việc cai thuốc lá như thế nào? Có thể giải thích ngắn gọn về cơ chế tác dụng của châm cứu trong việc cai thuốc là dựa trên nguyên lý về thần kinh thể dịch, nghĩa là khi châm kim lên huyệt đạo, cơ thể sẽ phóng thích ra một số chất trung gian hóa học gọi là các endorphin (morphin nội sinh). Chất này giúp làm giảm cảm giác thèm thuốc lá. Dựa vào lý luận này mà gần đây phương pháp châm cứu đã được ứng dụng vào việc hỗ trợ cai nghiện ma túy và cai nghiện thuốc lá.
Hiện nay có nhiều hình thức của châm cứu như: châm vào các huyệt ở vành tai gọi là nhĩ châm; châm vào các huyệt trên cơ thể gọi là thể châm. Nhưng trong hỗ trợ cai nghiện thì phương pháp nhĩ châm thường được lựa chọn. Bởi vì phương pháp này có thể lưu kim trên người vài ba ngày, để duy trì tác dụng của kim châm được kéo dài. Thầy thuốc dùng những cây kim châm rất nhỏ gọi là nhĩ hoàn, châm vào loa tai hoặc có thể thay thế châm kim bằng cách dùng những viên nam châm nhỏ bằng hạt đậu, dán vào các huyệt ở loa tai, rồi dùng băng dính cố định lại vài ngày. Các huyệt được chọn lựa là thần môn, giao cảm, dưới đồi, huyệt về tim phổi ở loa tai. Thông thường mỗi ngày châm một lần, thời gian từ 10 đến 30 phút. Mỗi đợt điều trị khoảng 7-10 ngày. Nếu áp dụng cách dán các viên nam châm thì thỉnh thoảng người bệnh nên dùng ngón tay day ấn nhẹ nhàng lên huyệt, để kích thích duy trì tác dụng, cho đến khi xuất hiện cảm giác nóng vùng loa tai là phát huy tác dụng tốt.
Để làm tăng hiệu quả trong việc cai nghiện, liệu pháp thôi miên thường được kết hợp cùng với nhĩ châm. Nếu chỉ dùng nhĩ châm đơn thuần thì chỉ làm giảm được cảm giác thèm thuốc, nhớ thuốc. Cách này chưa làm thay đổi về nhận thức của người cai. Với phương pháp thôi miên sẽ làm thay đổi cơ bản về nhận thức, giúp họ hiểu được tác hại của thuốc lá. Từ đó thay đổi hành vi hút thuốc. Do đó cần kết hợp giữa nhĩ châm và thôi miên để giúp người nghiện dứt bỏ tận gốc thói quen có hại cho sức khỏe.
Thôi miên được ứng dụng trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá như thế nào? Thôi miên là một liệu pháp điều trị về tâm lý. Bản chất của thôi miên đó là một trạng thái ngủ nửa vời do thầy thuốc tạo ra cho người bệnh, nó gần giống như một giấc ngủ bình thường, nhưng khác biệt là trong lúc bị thôi miên người bệnh vẫn còn tỉnh táo và chịu tính ám thị[1]rất mạnh. Đặc biệt là thôi miên có thể gây ra được những thay đổi về giác quan, vận động, trí nhớ dễ dàng hơn rất nhiều so với giấc ngủ bình thường.
Cơ chế của hiện tượng thôi miên có thể giải thích là do quá trình ức chế diễn ra lan tỏa ở não. Khi đó chỉ còn một vài điểm hưng phấn, theo qui luật hoạt động của vỏ não thì sẽ gây cảm ứng âm tính[2] lan tỏa ra toàn bộ vỏ não, lúc này không gặp sự chống đối nào. Khi đó, thầy thuốc dùng lời nói của mình để tác động thông qua những điểm cảnh tỉnh ở não, tạo ra một sự hưng phấn. Hưng phấn này bị cách ly với mọi sự chống đối, trở nên tuyệt đối, không thể cưỡng lại. Do đó, hiệu lực lời nói của thầy thuốc lúc này tăng lên gấp bội. Những lời nói tích cực của thầy thuốc, được bệnh nhân ghi nhớ rất nhanh và làm thay đổi về nhận thức, hành vi. Trong giấc ngủ thôi miên, vỏ não trong trạng thái nửa tỉnh nửa ngủ, lúc này, lời nói thì thầm của thầy thuốc được đáp ứng mạnh và có tác động ám thị rất lớn.
Trong kỹ thuật thôi miên, thầy thuốc thường dùng lời nói để hướng dẫn bệnh nhân tập trung vào một điểm và kết hợp với thư giãn, thả lỏng toàn thân. Khi đó bệnh nhân chuyển từ trạng thái thức tỉnh sang cảm giác buồn ngủ. Nếu làm đúng kỹ thuật sau khoàng 5-10 phút người bệnh sẽ xuất hiện giấc ngủ thôi miên: mắt từ từ nhắm lại, mi mắt run nhẹ, tay chân mềm nhão, xoay ngả ra ngoài. Khi đó thầy thuốc sẽ đưa ra những mệnh lệnh để ám thị, với một giọng nói đều đều, lập đi, lập lại nhiều lần: “Hút thuốc nhiều gây ra ung thư phổi, hoặc hút thuốc có hại cho sức khỏe”. Sau khi tỉnh dậy, người nghiện sẽ ghi nhớ rất rõ lời nói này và họ cảm nhận được ý nghĩa của lời nói, họ có ấn tượng rõ hơn về tác hại của thuốc lá và sợ hút thuốc. Đó là những câu nói ám thị đã làm thay đổi nhận thức của người nghiện giúp họ thay đổi hành vi khác có lợi cho sức khỏe.
Một vấn đề cần lưu ý trong việc cai thuốc lá, cần phải có sự tin tưởng và hợp tác tích cực của người cai. Không ai có thể châm cứu hoặc thôi miên để cai thuốc nếu họ không quyết tâm từ bỏ hút thuốc. Mỗi người đều có lý do riêng để giải thích cho việc hút thuốc của mình. Thầy thuốc cần phải giải thích thấu đáo cho người nghiện hút thuốc lá về những tác hại của thuốc lá để họ sẵn sàng hợp tác trong điều trị.
Hai phương pháp này đã được một số cơ sở y tế nghiên cứu ứng dụng, nhĩ châm giúp người cai loại trừ được độc tố nicôtin ra khỏi cơ thể, còn liệu pháp thôi miên giúp họ nhận thức tác hại của việc hút thuốc và từ bỏ dễ dàng hơn.
Qua kinh nghiệm cai nghiệm thuốc lá cho nhiều người bằng phương pháp nêu trên, chúng tôi nhận thấy phương pháp cai nghiện này khá đơn giản, có hiệu quả tốt và ít tốn kém. Nhiều người chỉ sau vài ngày điều trị cảm thấy có vị đắng trong miệng hoặc cảm giác cay cay khó chịu khi hút thuốc, cũng có người cảm thấy lợm giọng, buồn nôn khi hút thuốc. Do đó họ không còn thèm muốn hút thuốc nữa, số lần hút thuốc có thể giảm xuống, rồi từ từ sau đó họ bỏ hẳn. Để cai nghiện thuốc lá có hiệu quả, người hút thuốc cần phải quyết tâm cao. Sau khi cai cần tránh những cơ hội có thể hút lại và phải có quyết tâm từ bỏ hút thuốc.
Tóm lại, không có phương pháp cai thuốc lá nào hay nhất, nếu người hút thuốc lá không quyết tâm từ bỏ thói quen xấu. Nếu thực sự muốn cai thuốc lá, cách tốt nhất là hãy bỏ ngay nó vào thùng rác.
(Sưu tầm)