“Nói áp vong không liên quan là vô trách nhiệm”
Cái chết bí ẩn của chị Nguyễn Thị Bính (Hương Câu, Hương Lâm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang tạo ra rất nhiều ý kiến khác nhau. Trả lời trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Quyên, trưởng phòng tổng hợp, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho rằng cái chết này không liên quan gì tới chuyện áp vong.
Nhưng có nhiều độc giả cho rằng, dù tử vong do vũ lực của người thân, nhưng chị Bính chết là do cả chị và anh Thắng (em trai) đang trong trạng thái “vong nhập”, do đó, không thể nói rằng không liên quan tới áp vong là vô trách nhiệm.
Th.s Nguyễn Mạnh Quân trong hội thảo về thôi miên ở Ba Lan |
Thạc sĩ thôi miên đầu tiên ở Việt Nam- ông Nguyễn Mạnh Quân, (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khoẻ Thể – Tâm- Trí) đã có những lý giải một cách khoa học về trạng thái của người bị “áp vong”.
Về hiện tượng áp vong, Thạc sĩ Quân cho rằng, hiện tượng này không có gì là mới. Bởi vì, thế kỳ XVII và XVIII, các “thầy phù thủy” ở Châu Âu đã thực hiện việc này rồi. Hiện tượng “áp vong” chỉ có được khi con người ta rơi vào trạng thái vô thức. Ở trạng thái này, cơ thể con người hành động, ứng xử theo ám thị là những hình ảnh, âm thanh,…từ bên ngoài tác động vào (ám thị ngoài) và những niềm tin, hi vọng, những suy nghĩ và cảm nhận của họ trước đó (tự ám thị) tạo nên.
Nạn nhân Nguyễn Thị Bính đã chết sau khi đi áp vong tìm mộ liệt sĩ |
Ông Quân khẳng định, thực tế, khi tiến hành áp vong, phần lớn con người ta đều tin rằng, có vong và phần lớn họ mong mỏi gặp, tha thiết muốn tiếp xúc với vong. Trước đó, họ cũng được nghe là khi vong về cơ thể con người thông thường phản ứng ra sao, đã được nghe kể về tính nết, thói quen của vong lúc sống thế nào, nhiều người thậm chí được sống cùng (nghĩa là được biết giọng nói, nhìn thấy hành động,…). Không những vậy, họ còn không ngừng đoán vong ấy muốn gì, cần gì, thiếu gì, muốn nói gì,… Tất cả những thông tin này gọi là tự ám thị cho trước.
Thêm vào đó, chính đức tin vào sự huyền bí, niềm tin tuyệt đối vào nhà ngoại cảm là những ám thị mạnh nhất của thôi miên cổ điển. Những ám thị này mạnh tới mức thậm chí ngay khi “thầy phù thủy” phát “chú” triệu mời vong, hay là khi họ ngửi thấy mùi nhang khói, hoặc cảm thấy cơ thể mình có thay đổi thì họ nghĩ ngay tới việc vong đã về bên. Thông thường, ngay sau đó, những người này rơi vào trạng thái thôi miên sâu thẳm, ông khẳng định.
Thạc sĩ thôi miên nói thêm, lúc này, tất cả những biểu hiện từ nét mặt, lời nói của người bị vong nhập đều mô phỏng lời nói, nét mặt của người đã khuất theo đúng những gì có sẵn trong tiềm thức. Vì khi đó, tần số não đã bị hạ xuống tần số Anpha- ở tần số này, ý thức của con người không còn làm chủ được.
Ông Quân cho rằng, nếu muốn người bị “vong nhập” tỉnh dậy, người ta phải kéo được tần số não của người này về tần số cũ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà ngoại cảm ở nước ta hiện nay không hiểu gì về nguyên tắc hoạt động của bộ não, nên sử dụng những phương pháp như gọi, lay người, thậm chí ấu trĩ tới mức “thổi hương vào mũi” (như hành động của Nguyễn Văn Thạo) để người bị nhập tỉnh dậy. Đồng thời, họ cũng chưa biết cách loại bỏ những ám thị xấu ra khỏi đầu người bị nhập để bảo vệ bộ não của họ về sau. Điều đó lý giải việc sau khi đi áp vong, có nhiều người “bị nhập” lặp đi lặp lại một cách không có kiểm soát.
“Áp vong” có thể gây chết người
Thông thường, người bị “vong nhập’ sau này sẽ có tình trạng tinh thần bất ổn. Bởi vì, theo những phản ứng của bộ não và thần kinh thì những câu nói như: Hình như vong chưa ra, hoặc vong lại nhập lại rồi,… chính là những ám thị tiêu cực để người áp vong bị nhập đi nhập lại hoặc không thể thoát khỏi tình trạng thôi miên sâu này, thậm chí tình trạng này có thể kéo dài tới khi người ấy chết hẳn. Do đó, hiện tượng áp vong gây chết người là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, rất nhiều trường hợp sau khi áp vong về có hiện tượng bất ổn tinh thần, rối loạn tâm lý, thậm chí mắc bệnh tâm thần,…bởi khi con người thoát khỏi trạng thái hôn mê sâu, bộ não cảm xúc của họ đã ghi rất nhiều những cảm xúc sợ sệt, đau khổ, rằn vặt, đau buồn, thương nhớ,…Và với tần số có hạn của bộ não, nó không thể chịu đựng được chừng ấy cảm xúc.
Lý giải chuyện hầu hết những người bị “vong nhập” là phụ nữ, người già, trẻ em và người có sức khỏe yếu, ông Quân phân tích: để một ai đó rơi vào trạng thái “vong nhập” (trạng thái thôi miên sâu), bộ não con người cần phải thụ động. Bộ não của nam giới thường hay phân tích mọi cảm giác, đặc biệt do đại diện cho phái mạnh nên họ hay có cảm giác xấu hổ, hay để ý đến những sự kiện xảy ra xung quanh mình, … Tất cả những điều kiện này làm cho sự tập chung của họ giảm sút và vô tình họ cũng tự ám thị cho họ tỉnh táo để được hỏi và nghe giải đáp, do vậy đàn ông sẽ ít bị rơi vào trạng thái hơn.
Người bị huyết áp thấp dễ bị “vong nhập”
Ông Quân nhấn mạnh, áp vong ở Việt Nam hiện nay chỉ là một thủ thuật của thôi miên cổ điển. Có điều, nếu là người có chuyên môn về thôi miên mới có thể đưa thân chủ (người bị vong nhập) ra khỏi trạng thái một cách an toàn. Còn nếu không, những người tham gia áp vong sẽ mang bộ não của mình ra để đùa giỡn như đùa giỡn với quả bóng. Lúc đó, trò đùa này nguy hiểm như chơi với lựu đạn vậy.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Thac-si-thoi-mien-noi-tieng-va-ly-giai-rat-moi-ve-hien-tuong-ap-vong/143813.gd