Phụ nữ nói nhiều do…não
GiadinhNet – Hơn một nửa đàn ông luôn cảm thấy khó chịu vì tính cằn nhằn của các bà vợ. Kết luận đó không phải võ đoán mà được rút ra từ những cuộc nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Và các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, đàn ông hiểu biết cần biết rằng, phụ nữ có nhu cầu nói đến 20 ngàn từ/ngày và nó do một chất đặc biệt trong não qui định.
Đàn ông không thể vừa càu nhàu vừa sửa điện hay lợp ngói!
Trong cuộc sống gia đình, hầu hết những việc nhỏ, lặt vặt diễn ra hàng ngày thường rơi vào tay người người vợ. Có thể đàn ông sẵn sàng lợp lại ngói, trèo cây hái quả, sửa điện, chữa đường ống nước nhưng lại rất ngại giặt quần áo, rửa bát, phơi chăn màn hay tắm cho con…, những công việc mà kê ra hàng mấy trang giấy cũng không hết. Chính vì họ ít làm những công việc lặt vặt đó nên họ ít càu nhàu hơn đàn bà. Và cũng vì những công việc họ thường làm khó có thể vừa nói vừa làm được, chẳng hạn như họ không thể vừa trèo lên mái nhà vừa nói hay vừa sửa điện vừa càu nhàu được.
|
Phụ nữ nói nhiều do… não
“Trên đời tôi chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ sự đe dọa nào, thậm chí ngay cả trong những hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng tôi phải thú nhận rằng, điều tôi sợ nhất trên đời là sự lắm lời của vợ. Điều đó làm tôi phát điên!” – anh Trung, một cán bộ quản lý thị trường biện minh cho việc đánh vợ của mình. Theo lời kể của anh, anh thường xuyên phải nghe và phải chịu đựng lời phàn nàn của vợ, bất kể ngày hay đêm. Từ chuyện quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, chuyện dạy dỗ con cái, chuyện tính cách và giờ giấc sinh hoạt của anh…
Đa số cánh đàn ông đều phàn nàn về tính nói nhiều của vợ. Qua những câu chuyện của họ thì sau khi lập gia đình, phụ nữ là người biến đổi nhiều nhất, đôi khi khiến người chồng ngỡ vợ mình là một người nào khác chứ không phải là người con gái dịu dàng, tươi tắn biết cảm thông thuở nào. Những nhận xét này không phải chỉ xuất phát từ cảm giác cá nhân mà nó đã được rút ra từ công trình nghiên cứu nghiêm túc.
Viện nghiên cứu về đời sống gia đình ở Nhật Bản đã tiến hành một cuộc điều tra khá với 500 người đàn ông đã xây dựng gia đình từ 1-30 năm, với câu hỏi: “Anh thấy vợ mình có thói xấu gì diễn ra thường xuyên khiến cho anh nhiều khó chịu nhất”. Kết quả là 23% người được hỏi cho rằng, khó chịu nhất là “tính hay càu nhàu” của vợ và toàn về những chuyện không đâu, thậm chí hết sức vặt vãnh. Các nhà xã hội học ở Thượng Hải, Trung Quốc cũng phỏng vấn 1.000 người đàn ông đã kết hôn với những câu hỏi tương tự và nhận được đến 51% số người trả lời rằng, điều họ mong người bạn đời của mình sửa đổi nhất là tính hay càu nhàu.
Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng, phụ nữ thường nói nhiều hơn đàn ông vì có một “protein ngôn ngữ” đặc biệt trong não bộ. Theo nghiên cứu của các chuyên gia thần kinh và tâm lý học đến từ trường Đại học Maryland, não phụ nữ có chứa nhiều protein Foxp2 (đóng vai trò chủ chốt đối với hoạt động ngôn ngữ) hơn so với não của đàn ông. Do đó, phụ nữ thường nói khoảng 20.000 từ mỗi ngày, trong khi đàn ông chỉ nói có… 7.000 từ.
Dù nghiên cứu trên lý giải phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông 13.000 từ mỗi ngày là do não bộ, nhưng cánh đàn ông cho rằng nói nhiều không có nghĩa là được “lắm điều”. Theo các ông chồng, để thỏa mãn nhu cầu nói 20.000 từ mỗi ngày, vợ có thể kể chuyện, đọc thơ, thậm chí là hát, chứ không phải là “lắm điều” trong những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày. Cái sự trách cứ này của cánh đàn ông cũng có lý, nhưng họ lại ít khi tìm hiểu căn nguyên và thông cảm cho sự “lắm điều” của phụ nữ.
Chữa “bệnh não” phải bằng trái tim
Trong cuộc sống gia đình, hầu hết những việc nhỏ, lặt vặt diễn ra hàng ngày thường rơi vào tay người người vợ. Có thể đàn ông sẵn sàng lợp lại ngói, trèo cây hái quả, sửa điện, chữa đường ống nước nhưng lại rất ngại giặt quần áo, rửa bát, phơi chăn màn hay tắm cho con…, những công việc mà kê ra hàng mấy trang giấy cũng không hết. Chính vì họ ít làm những công việc lặt vặt đó nên họ ít càu nhàu hơn đàn bà. Và cũng vì những công việc họ thường làm khó có thể vừa nói vừa làm được, chẳng hạn như họ không thể vừa trèo lên mái nhà vừa nói hay vừa sửa điện vừa càu nhàu được.
Mặt khác, người phụ nữ hiện nay vừa đi làm, gánh vác trách nhiệm xã hội như nam giới lại vừa có trách nhiệm chăm sóc con cái, cha mẹ, và còn chăm sóc cả chồng nữa. Vì vậy vai trò quản lý gia đình cũng như trách nhiệm của người phụ nữ bao giờ cũng cao hơn nam giới, nên họ thường không bằng lòng với mọi việc và hay càu nhàu. Thử hỏi bạn sẽ phản ứng như thế nào khi về nhà thấy chồng, con kẻ nằm người ngồi mải mê xem phim trong khi ngoài trời mưa lâm thâm làm ướt một dây quần áo đã khô, trong bếp một đống bát đũa chưa rửa? Hay khi chồng bạn thản nhiên đi qua chậu nước tắm của con lúc bạn chưa kịp đổ vì bận mặc quần áo cho con?…
Làm thế nào để người phụ nữ không trở thành “lắm điều”? Người đàn ông cần phải hiểu được vì sao vợ mình lắm điều, vì sao khi chuyển sang cuộc sống hôn nhân đàn bà thay đổi nhiều hơn đàn ông? Người chồng cần phải biết chia sẻ nỗi vất vả với vợ, làm gương cho con cái trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi nhớ mãi thái độ của bố tôi mỗi khi phải nghe mẹ tôi ca cẩm. Ông thường im lặng để cho mẹ tôi nói và cấm chúng tôi không được cãi lại hay đế vào lời mẹ nói, tránh đổ thêm dầu vào lửa. Ngày đó chúng tôi phần vì xấu hổ khi xóm giềng nghe thấy mẹ mắng mỏ bố con tôi, phần vì cho rằng mẹ quá vô lý nên nghĩ rằng bố là người nhu nhược. Càng lớn tôi càng hiểu và cảm ơn bố vì bố đã giữ cho gia đình yên ấm, vì bố đã không để hình ảnh của mẹ không xấu đi trong mắt các con, và trên hết bố tôi rất thương mẹ nên hiểu được vì sao mẹ sinh ra lắm điều.