Thôi miên trị bệnh vẫn luộn bị gắn liền hoặc thậm chí là đã bị đánh đồng với thôi miên trình diễn (show). Lý do của việc này là thông qua tính truyền thông mạnh mẽ, nhưng sai lệch và thiếu khoa học của các nguồn thông tin đại chúng, cũng như những thước phim mà các nhà đạo diễn đã hình dung một cách vô lý để diễn tả những cảnh vô cùng huyền bí mà trên thực tế không bao giờ có được ở thôi miên, đồng thời thông qua một số trò biểu diễn một cách thiếu ý thức và thiếu trách nhiệm của một số nhà thôi miên trình diễn đã mang lại sự hiểu lầm đáng tiếc này.

Thôi miên dùng trong y học khác hẳn với thôi miên trình diễn ở một điểm quan trọng là: Mục tiêu của nó giúp con người có được sức khoẻ tinh thần và thể chất tốt, cũng như phát huy được sức mạnh, khả năng và sức khoẻ của mình. Người bệnh sẽ KHÔNG BAO GIỜ PHỤ THUỘC vào nhà trị liệu. Tôi vẫn luôn khẳng định với mọi người rằng: “Những nhà trị liệu chúng tôi chi là những người đóng và sửa tàu, để con tàu các bạn có thể khỏe mạnh và hạnh phúc rời bỏ bến cảng trị liệu”.

Thôi miên y học yêu cầu trước hết là sự cam kết sử dụng thôi miên một cách có trách nhiệm và bắt buộc tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản của y học.

Thôi miên trình diễn rất tiếc lại hoàn toàn khác: Người ta đã sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau nhằm đạt được những hiệu ứng nhanh như có thể. Nói một cách rõ ràng hơn, họ quan tâm đến yếu tố “trình diễn”, nghĩa là việc gây ấn tượng cho người xem (thậm chí là đánh lừa người xem), chứ không nhằm cung cấp thông tin cho họ. Mọi mong muốn cá nhân và sức khoẻ của người xem cũng như người được thôi miên không phải lúc nào cũng được tôn trọng. Hiện nay ta đã biết đến một số show diễn đã gây hại hoặc có thể gây  hại đến người được thôi miên. Ví dụ như việc nhà thôi miên khiến người được thôi miên nằm ở tư thế “bắc cầu”, chỉ có đầu và hai gót chân được kê lên hai chiếc ghế, sau đó cho người khác đứng lên bụng của người được thôi miên, nhưng trước đó, nhà thôi miên đã không hề kiểm tra tới tình trạng sức khỏe và đặc biệt là hỏi về những vết thương có thể đã sẵn có trên cơ thể của người được thôi miên (xương sống, các khớp …)

Tôi không hề phản đối việc thôi miên trình diễn, mà ngược lại, tôi rất ủng hộ, chỉ có điều là các nhà thôi miên luôn luôn và bắt buộc phải đặt sự an toàn tới cơ thể và sức khỏe của người được thôi miên lên hàng đầu (vấn đề đặc biệt cần lưu ý, là khâu kiểm tra và chuẩn bị trước lúc tiến hành thôi miên, cũng như sau khi biểu diễn, phải rút bỏ toàn bộ những ám thị không cần thiết, thậm chí có thể gây hậu quả không tốt, mà trong khi biểu diễn các nhà thôi miên đã đưa ra cho thân chủ của họ…). Nếu thôi miên trình diễn cũng được thực hiện một cách nghiêm túc, thì bản thân nó cũng sẽ đóng góp rất nhiều vào viêc phổ biến về giá trị và khả năng siêu phàm của thôi miên, đặc biệt là trong phạm vi y học. Bản thân tôi khi tiến hành thuyết trình cũng thường xuyên minh hoạ trình diễn một số động tác thôi miên, nhằm chỉ ra khả năng vô cùng kinh ngạc tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta. Rất tiếc thôi miên trình diễn trên thực tế thông thường chỉ được thực hiện hoàn toàn với mục đích “trình diễn” để kiếm lời, chính vì vây không những nó đã không góp phần cung cấp thông tin, mà thậm chí còn khiến cho nhiều người xem thấy sợ thôi miên và không còn quan tâm đến việc ứng dụng thôi miên vào chữa bệnh nữa. Cũng chính vì lẽ đó, mà cứ mỗi khi tư vấn cho bênh nhân, tôi đều phải cố gắng giải thích để họ hiểu rõ hơn về những hình dung sai lêch, và thiếu đúng đắn đã làm cho họ lo sợ do những  nguồn tin thiếu khoa học, cũng như do một số nhà thôi miên trình diễn thiếu trách nhiệm đã gây nên, vì hiểu không đúng và lo sợ là một trong những yếu tố quan trọng nhất đã cản trở quá trình trị liệu, thậm chí sẽ làm giảm đi rất nhiều hiểu quả chữa bệnh của liệu pháp. (xin xem thêm phần “Chuẩn bị trước thôi miên trị liệu “).

Một số trò trình diễn thôi miên trên sân khấu thường làm cho người xem cảm thấy rằng người được thôi miên luôn luôn là nạn nhân và bị phụ thuộc dưới quyền điều khiển của “chủ nhân” (nhà thôi miên), nhiều khi sau khi biểu diễn xong, một số người được thôi miên đã bị ảnh hưởng về tinh thần, khiến cho họ phải cần đến trị liệu tâm lý. Chính vì những hậu quả mà thôi miên trình diễn có thể gây ra, nên ngày nay tại một số nước (như Thuỵ Điển, Israel, Canada, Nam Phi) đã cấm việc thực hành thôi miên trình diễn nơi công cộng…

Leave a Reply