Vụ “xõa tóc” thôi miên cướp hơn 1 tỉ đồng ở Hà Nội:
Không thể dùng thuật thôi miên để lừa đảo người khác
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên VN.
Từ nhiều ngày qua, báo chí rầm rộ đưa tin: Kẻ gian dùng thủ thuật “xõa tóc” thôi miên cướp hơn 1 tỉ đồng.
PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên VN, thành viên của Tổ chức Thôi miên quốc tế NGH. Ông Quân từng có nhiều thời gian ở Châu Âu nghiên cứu sự tác động của các chất kích thích vào não con người.
<?> Thưa ông, có thể dùng thủ thuật thôi miên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác?
– Tôi xin khẳng định, thôi miên không thể lừa được bất kỳ người nào kể cả khi họ trong trạng thái thôi miên sâu nhất.
Trong thôi miên, yếu tố kiên quyết bắt buộc phải có là: Phải có sự kết hợp và hợp tác chặt chẽ của thân chủ (người được thôi miên) và hơn nữa bản thân người được thôi miên phải rất muốn được có sự thôi miên. Bởi vậy, với các vụ việc bị mất tài sản càng không có chuyện người bị mất tài sản lại mong muốn được thôi miên để mất tài sản cả. Ngay kể cả trong thôi miên biểu diễn hay thôi miên trị liệu thì người được thôi miên cũng luôn luôn tỉnh táo mà không bao giờ bị mê man, vì vậy không có bất cứ một người nào có thể sử dụng thôi miên để làm một việc mà người được thôi miên không muốn!
<?> Đã từ lâu không phải chỉ có ở Việt Nam, mà gần như ở khắp nơi trên thế giới kẻ gian vẫn đang sử dụng một số các động tác của ảo thuật để lừa đảo. Vậy thưa ông, có khả năng này xảy ra?
– Bản chất của ảo thuật là dựa vào nguyên tắc thị giác của con người, chỉ có thể phân tích được 30 hình ảnh trên giây, nên kẻ gian đã luyện tập các động tác để cho những hành động diễn ra với tốc độ nhanh hơn 30 hình ảnh trên giây, trong trường hợp đó sẽ để lại một ảo ảnh và chúng sẽ lấy mất những đồ vật, thậm chí nằm ngay trước mặt mà ta không hề nhận biết. Phương pháp sử dụng ảo thuật để lừa đảo chủ yếu được kẻ gian lợi dụng trong trường hợp đổi tiền hoặc đổi những đồ vật nhỏ có thể nằm trên tay hoặc trên mặt bàn… Vậy yếu tố ảo thuật trong trường hợp này – chị Vũ Hoàng Điệp bị mất cùng lúc cả tiền euro, USD, điện thoại, thẻ ATM – không thể xảy ra.
<?> Theo thông tin ban đầu, lợi dụng chị Điệp có một mình, đối tượng giả vờ mua hàng, sau đó xõa tóc ra và chị Điệp dần quỵ xuống và mê man. Có nhiều nhận định rằng khả năng chị Điệp bị đối tượng đánh thuốc mê và cướp tài sản?
– Đây cũng là hình thức mà kẻ gian hay dùng để cướp tài sản, đó là sử dụng thuốc gây mê dưới dạng như thuốc ngủ hoặc cồn ête. Khi kẻ gian sử dụng hình thức này, chúng phải tìm cách để cho chất gây mê vào đồ ăn, đồ uống hoặc phải để cho người bị hại hít được một lượng cồn ête nhất định, đủ để ức chế vào não và hệ thống thần kinh làm cho người bị hại bị mê man bất tỉnh trong một khoảng thời gian (lâu hay chóng là phụ thuộc vào lượng thuốc gây mê mà người bị hại đã uống hoặc hít phải). Vụ việc xảy ra với chị Điệp tôi có theo dõi những thông tin ban đầu trên báo chí và thấy rằng, yếu tố gây mê khó có thể xảy ra nếu không muốn nói là không có.
<?> Theo chúng tôi được biết, ở một số nước Châu Âu kẻ gian đã dùng cả các loại ma túy đặc biệt để lừa đảo. Ông đã có khá nhiều thời gian ở Châu Âu – nghiên cứu sự tác động của ma túy vào thần kinh và bộ não con người, vậy hiểu biết của ông thế nào về dạng ma túy này nếu được dùng vào mục đích lừa đảo…?
– Loại ma túy này rất đặc biệt và nguy hiểm. Tại Châu Âu cách đây khoảng 10 năm, kẻ gian đã sử dụng loại ma túy này, mà có một thời trong giới “giang hồ”, tại Châu Âu gọi là Geruch Des Teufl (mùi quỷ dữ), loại này tương đối hiếm. Loại ma túy này phần lớn là ở dạng bột để pha vào nước, tất nhiên là cũng có ở dạng nước và toả khí gần như cồn ête, nhưng khó kiếm hơn dạng bột. Đặc tính cả hai dạng bột và nước đều không có mùi vị. Nếu như uống hoặc hít phải nhiều chất ma túy này thì thậm chí bộ não của người bị hại sẽ bị xoá hết mọi thông tin (quên) đã có trước khi uống hoặc hít phải khoảng 15 phút và ngay khi chất kích thích đã không còn tác động thì cũng phải cần tới 10 phút sau bộ não mới có thể ứng xử bình thường được! (trong trường hợp này thì người bị hại không hề nhớ được mặt kẻ đã hại mình, và cũng không hề biết điều gì đã từng xảy ra với mình, ngoại trừ bị mất của thì sau đó họ mới biết, nhưng không thể biết mất trong trường hợp nào).
Ở trong trường hợp xảy ra với chị Điệp, nếu kẻ gian có sử dụng chất ma túy đặc biệt kể trên thì có lẽ cũng không dễ lắm, bởi chưa có thông tin người bị hại đã ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong lúc kẻ gian tới. Còn nếu như kẻ gian sử dụng loại ma túy này ở dạng nước nhằm ức chế thần kinh và bộ não bằng hơi dưới dạng cồn thì chúng lại phải cần sử dụng tay để bóp vỡ tép thuốc và đưa gần lên mũi người bị hại, nhưng ở đây lại không có yếu tố đó mà chỉ có yếu tố “xõa tóc”. Khi xõa tóc mạnh có thể tung ra một lượng bột nào đó nhưng không thể làm vỡ tép thuốc nước, mà nếu như chỉ tung ra một lượng bột thì không đủ để người bị hại mê man…
– Xin cảm ơn ông.
Mất bạc tỉ chỉ vì một cử chỉ… xõa tóc
18h ngày 18.2, chị Vũ Hoàng Điệp (sinh năm 1990, ở ngõ 29 Nguyễn Thái Học, HN) đến Công an phường Nam Đồng, quận Đống Đa trình báo về việc: Khoảng 16h15 ngày 18.2, có một phụ nữ vào cửa hàng của chị Điệp (ở 490 đường Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa), lợi dụng lúc chị Điệp có một mình, đối tượng giả vờ mua hàng, sau đó xõa tóc ra và chị Điệp dần khuỵu mê man, theo nhận định ban đầu, khả năng đối tượng đã dùng thuốc mê hoặc bị thôi miên. Khi tỉnh dậy, chị Điệp phát hiện mất 35.000 euro, 1.900USD, 48 triệu đồng và 2 điện thoại Iphone, 1 thẻ ATM. CA quận Đống Đa đang tiến hành điều tra, làm rõ và từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, cửa hàng của chị Điệp bán mỹ phẩm, rộng khoảng 10m2, mới thuê mà mở cửa hàng bán mỹ phẩm từ ngày mùng 6 Tết Quý Tỵ. Bốn ngày sau khi sự việc xảy ra – 10h ngày 21.2 – PV Lao Động có mặt tại cửa hàng chị Điệp (490 đường Xã Đàn) ghi nhận cửa hàng đóng cửa.