GiadinhNet – Đó là cụ Phạm Văn Chất (còn gọi là Tư Chất, trú tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, Cà Mau), là một thầy thuốc sở hữu những bài thuốc chuyên trị rắn độc vang danh khắp vùng U Minh.
Tính đến nay, cụ Chất đã có 80 năm làm nghề cứu giúp những người bị rắn độc cắn. Sống gần trọn thế kỷ, điều mà cụ thấy thanh thản nhất là những người bị rắn cắn sau khi được bàn tay cụ đắp thuốc đều khỏe mạnh. Cứu không biết bao nhiêu người nhưng chưa bao giờ cụ tính công, trạng. Giờ đây sắp chạm ngưỡng “nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày” (100 tuổi), cụ vẫn vào rừng hái thuốc, sẵn sàng vượt đường sá xa xôi đến bất cứ đâu ở rừng U Minh khi có người bị rắn cắn để cứu chữa.
Cụ Phạm Văn Chất.
|
Trọn cuộc đời khắc chế độc xà
Trong chuyến công tác về U Minh hạ, chúng tôi tình cờ được vị cán bộ kiểm lâm huyện Đầm Dơi kể chuyện về một nhân vật lạ kỳ, cả cuộc đời sống ẩn dật giữa rừng U Minh, duy nhất làm một việc là chữa trị những người không may bị rắn độc cắn mà lại không lấy tiền của ai bao giờ. Theo chân anh cán bộ kiểm lâm Phạm Thanh Vũ, chúng tôi tìm đến nơi kỳ nhân này đang sống, gian nhà nhỏ đơn sơ nằm ẩn bên viền rừng hàng chục năm qua là nơi lui tới của những người không may bị rắn cắn.
Năm nay đã bước sang tuổi 97 nhưng cụ Chất vẫn còn khá minh mẫn, da dẻ hồng hào. Cụ có khuôn mặt phúc hậu với cái nhìn hiền từ và vầng trán cao. Nghe anh kiểm lâm hỏi về chuyện trị rắn độc cụ cười khà nói hóm hỉnh: “Ui da, rắn ở U Minh thì nhiều lắm, rắn độc cũng vô số. Ngày nào, tháng nào mà không có người bị chúng “mài răng” một vài người chơi, họ phải đến đây gặp tôi”. Kèm câu nói hóm hỉnh, cụ Tư Chất lại nở nụ cười phúc hậu với khách như thể nhắn nhủ rằng, dù rắn có độc bằng mấy thì cụ cũng đã nắm được bí kíp hóa giải trong tay. Cụ Chất cho biết, nguyên gốc quê ở Quảng Ngãi, nhưng vì thời Pháp thuộc bọn giặc o bế, chèn ép quá không chịu nổi, người cha quyết định dắt theo cụ rời quê hương xuôi về phương Nam tìm kế sinh nhai. Đi đến U Minh hạ cha cụ dừng chân lập chòi mưu sinh bằng nghề hái thuốc chữa bệnh rồi khai hoang vở đất trồng cây lương thực. “Tôi chỉ nhớ lúc đó vào đây thì tròn 8 tuổi, vùng này chẳng có ai, hằng ngày hai cha con lủi thủi tìm cách để tồn tại giữa chốn rừng thiêng nước độc”, cụ Chất kể.
Cụ Chất còn nhớ hồi đầu thế kỷ 20, vùng U Minh hoang vu có rất nhiều loại thú dữ. Nhưng trong danh sách các loại thú dữ thì rắn độc vẫn đáng sợ nhất. Ở U Minh thì rắn phải nói số một không nơi nào bằng, rắn trên cây, trong hang đất, dưới nước…nơi nào cũng có. Rắn to như cái cột (loài hổ mây), rồi nhỏ bằng đầu đũa, rắn thường thì nhiều mà rắn độc cũng không ít. “Bởi rắn độc nhiều như nêm nên dễ bị chúng cắn, mà giữa rừng núi đại ngàn không được đắp thuốc kịp thời thì coi như chết. Ba tôi là thầy võ, biết nhiều bài thuốc chữa bệnh rất hay.Thấy rắn độc quá nhiều ông đã tìm tòi nghiên cứu và áp dụng chúng vào việc trị rắn độc, sau khi thành công thì truyền lại cho tôi. Năm 10 tuổi tôi đã hiểu cơ bản về các loại thuốc, đến 17 tuổi tôi có thể tự tay chữa cho người bệnh khi ba vắng nhà”, cụ Tư Chất kể.
Một loài rắn độc ở U Minh. Ảnh: Internet. |
Lĩnh hội y thuật do cha truyền, cộng với mày mò trong quá trình chữa rắn cắn thực tế cụ Chất đã tích lủy được vốn kiến thức phong phú về rắn độc và cách cứu khi bị chúng cắn. Cụ bảo, cơ chế tác dụng của độc rắn là theo máu về tim, vì thế khi bị rắn cắn việc làm đầu tiên là phải dùng phương pháp chặn lại chất độc ngay trước miệng vết thương, về điều này cụ đã có bài thuốc Nam chế từ thảo dược rất hiệu nghiệm. Theo kinh nghiệm của cụ thì rắn độc có một số đặc điểm khu biệt với rắn thường. Cụ dẫn chứng: “Đầu rắn độc thường có hình tam giác trong khi rắn thường thì tròn, rắn độc cắn không để lại dấu cả hàm răng mà chỉ có hai chiếc nanh. Chỗ vết thương của rắn độc rất nhức, sau đó sẽ lan tỏa theo đường mạch máu, nếu muốn nhận biết bằng mắt thường thì chỉ cần lấy chanh chà lên vết thương nó sẽ xuất hiện màu tím bầm”.
Còn sức là còn cứu người
Hồi đó chuyện người dân bị rắn cắn diễn ra mỗi ngày, thầy thuốc ít, dân lại kém hiểu biết nên khi bị rắn cắn không có điều kiện đi chữa nên những cái chết oan uổng rất nhiều. Vậy nên từ khi biết cha con cụ Chất có thể chữa rắn cắn người dân tìm đến ngày càng đông, khi khỏi bệnh người này lại rỉ tai người kia, tiếng lành đồn xa thế là cha con cụ thành thương hiệu giữa đại ngàn. “Ngày đó không chỉ chữa tại nhà mà chúng tôi còn đi đến khắp nơi trong vùng, thấy chúng tôi người dân quý dữ lắm, họ giữ chân chúng tôi ở lại ăn cơm bằng được. Còn những hôm ở nhà mình thì không dám đi đâu, sợ vắng nhà người ta nguy kịch đến tìm mà không gặp, có chuyện gì thì chúng tôi lại ân hận suốt đời”, cụ Chất bồi hồi nhớ lại.
Đến nay cụ Chất đã có 80 năm trong nghề, dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng công việc thiện nguyện này vẫn được cụ duy trì. Chừng ấy thời gian biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, không thể tính được những mạng người được cụ cứu sống. Nhiều người sau khi được cứu nằng nặc yêu cầu cụ nhận tiền công nhưng trước sau như mộ cụ đều từ chối. Vì thế mới có chuyện nửa đêm có người mang tiền đến bí mật bỏ qua bậu cửa, với mong muốn cụ lấy kinh phí mua thuốc phục vụ công việc thường ngày. Cụ tâm đắc: “Tôi thấy đài nói nhiều lắm về chữ tâm của người thầy thuốc. Anh có tài, có giỏi bao nhiêu thì cũng cần có đạo đức nghề trong đó, chứ làm việc thiện mà vì vụ lợi thì bản chất nó đã bất thiện rồi”.
Mãi đến cuối buổi trò chuyện chúng tôi mới đề cập đến đời tư, cụ Chất cười mãn nguyện cho biết, cuộc sống ngày hôm nay có một phần lớn là người vợ tảo tần hết lòng yêu thương. Vợ cụ năm nay cũng bước sang tuổi 96, cũng khỏe mạnh và minh mẫn, khi có người tìm đến chữa trị bà vẫn nấu thuốc cho cụ, đêm đến hai người chia sẻ nhưng buồn vui trong cuộc sống.
Đọc thêm các bài viết khác:
- Chữa bệnh mất ngủ
- Giảm cân nhanh chóng nhờ phương pháp thôi miên
- Bệnh huyết áp cao
- Thoái hóa đốt sống cổ
- Yếu sinh lý là gì?
- Gai đôi cột sống nhiều năm không khỏi đã biến mất
- Trị liệu đau cổ, đau vai, đau gáy mãn tính