Hy vọng sẽ giúp được những ai nếu đang đi tìm cách để trị liệu mà chưa khỏi
(Petrotimes) – Từ trước tới nay, nhiều người vẫn nghĩ thôi miên là một phép thuật kỳ bí hay là một năng lực siêu nhiên mà hiếm người có được. Nhưng không hẳn như vậy, đơn giản đó chỉ là một “kỹ thuật” đúng như các chuyên gia y học đã nhận định. Và “kỹ thuật” ấy đang ngày càng được phát triển như một phương pháp trị liệu để mang lại sức khỏe, tinh thần thoải mái cho con người, nhất là trong đời sống nhiều áp lực hiện nay.
Lần theo lịch sử, 500 năm trước Công nguyên, thôi miên đã được hình thành ở Ai Cập. Nhưng thời kỳ đó, thôi miên được hiểu như phép thuật bởi chính những người có khả năng này đã sử dụng nó để “đuổi tà ma”, (sau này được hiểu là phương pháp trị liệu tâm lý…) làm thay đổi tâm lý của con người, mang lại sự sảng khoái, thoải mái trong tinh thần của họ. Đến thế kỷ XIX, sau khi bác sĩ người Anh James Braid nghiên cứu và ứng dụng thôi miên vào quá trình điều trị như cắt cơn đau, giảm đau… nhất là trong nha khoa thì khi đó thôi miên mới được nhìn nhận như một phương pháp y khoa.
Từ đó trở đi, thôi miên ngày càng phát triển hơn khi được ứng dụng rộng rãi, chuyên sâu tại các cơ sở y tế, bệnh viện, trường đại học y khoa… Thậm chí ở Mỹ, tất cả những trường ĐH có đào tạo y học bắt buộc phải dạy cho sinh viên những kỹ thuật cơ bản của thôi miên. Và tại Việt Nam cũng đã ứng dụng liệu pháp này vào điều trị một số bệnh, đặc biệt là với bệnh “tâm căn”.
Nữ bệnh nhân đang được điều trị bằng thôi miên
Một trong những trường hợp được trị liệu nổi tiếng bằng thôi miên tại Việt Nam là Luật sư Vũ Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Vốn là một Luật sư có hình thể “quá khổ” với chiều cao 1,8m, nặng 90kg. Trước khi gặp Ths Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe Tâm – Thể – Trí và Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam, Luật sư Tùng chưa hề có ý định giảm cân.
Nhưng khi gặp và được ông Quân khuyên giảm béo nhằm phòng ngừa những bệnh tiểu đường, tim mạch… thì anh Tùng đồng ý. Nhưng lý do khiến anh Tùng đồng ý hơn cả chính là phương pháp giảm cân không buộc anh phải thay đổi chế độ sinh hoạt cũng như ăn uống, đi lại, không gây đau đớn cho cơ thể… ấy là thôi miên. Thật lạ là chỉ sau vài buổi thôi miên, anh Tùng giảm 8kg trong vòng 3 tháng. Nửa năm tiếp theo, anh giảm tiếp 7kg nữa và ổn định ở mức 75kg.
Khi được hỏi vì sao giảm cân mà không phải ăn kiêng, không phải thực hiện một chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt… thì Th.S Nguyễn Mạnh Quân giải thích: “Ăn kiêng để giảm cân giống như ta chủ động nạp ít năng lượng vào cơ thể, trong khi tiêu hao năng lượng lại vẫn giữ nguyên với các hoạt động của chính cơ thể ấy. Làm thế không khác gì phóng xe ra trạm xăng nhưng chủ động đổ ít xăng hơn mọi lần, khi mà tuyến đường cần phải đi không hề thay đổi. Điều này sẽ dẫn đến việc chiếc xe với mức tiêu thụ nhiên liệu như cũ sẽ buộc phải dừng lại ở một điểm nào đó trên tuyến đường, không thể nào đến đích được. Muốn không phải đổ nhiều xăng trên một chiếc xe ấy, phải tìm ra và khắc phục được nguyên nhân đã làm cho chiếc xe tiêu tốn nhiều nhiên liệu trước đã…”.
Có nhiều bệnh nhân khác cũng đã chữa bệnh bằng phương pháp… thôi miên. Như một nữ sinh viên Trường ĐH Dân lập Thăng Long mắc bệnh sợ như kiểu hoang tưởng. Nhưng nỗi sợ của cô không chỉ dừng lại ở việc có người khác làm hại mình mà còn chính cô hãm hại người khác. Sự sợ hãi đó ám ảnh cô đến nỗi phải nghỉ học. Qua người quen giới thiệu, cô đã đến Trung tâm Sức khỏe Tâm – Thể – Trí để điều trị bằng biện pháp thôi miên.
Vậy, thôi miên là “kỹ thuật” như thế nào lại có thể chữa bệnh được như vậy? Theo PGS.TS Trần Viết Nghị, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia: “Thôi miên là một liệu pháp điều trị tâm lý trực tiếp, thầy thuốc tác động vào tâm thần của người bệnh chủ yếu bằng lời nói, gây ra cho bệnh nhân một trạng thái ức chế không hoàn toàn của vỏ não, trạng thái trung gian giữa thức và ngủ hay còn gọi là trạng thái thôi miên. Trong trạng thái này, nhiều khu vực của vỏ não bị ức chế, nhưng riêng khu vực có liên quan đến phân tích lời nói vẫn “tỉnh táo”, tiếp nhận thông tin nên gọi đây là “điểm cảnh tỉnh”.
Luật sư Vũ Hoàng Tùng lúc nặng 90kg (ảnh trái) và khi đã giảm xuống còn 75kg hiện nay (ảnh phải)
Qua “điểm cảnh tỉnh” này, bệnh nhân có thể tiếp thu, thực hiện được những chỉ thị và mệnh lệnh của thầy thuốc”. Đây còn được gọi là ám thị. Và ám thị là như thế nào? Là tiếp nhận một cách thụ động những tác động tâm lý từ bên ngoài của một cá thể, từ đó gây ra những biến đổi nhất định về thể chất và tâm thần.
Còn khi nào thì ám thị? Khi tần số não từ tần số beta: 14-38hz (trạng thái bình thường) từ từ hạ xuống tần số alpha từ 8-14hz và tiếp tục hạ xuống tần số theta từ 4-8hz. Ở những dải tần số não ấy, bộ não của chúng ta có khả năng tập trung cao độ vào một vấn đề hay một sự việc nào đó gấp nhiều lần so với bình thường. Lúc đó, ý thức hệ hoàn toàn không quan tâm đến những vấn đề khác. Cũng ở những dải tần số não như vậy, khả năng tiếp nhận ám thị của não bộ đạt mức cao nhất. Đồng thời họ cảm nhận được thậm chí tới từng hoạt động của cơ thể.
Th.S Nguyễn Mạnh Quân phân tích về hiệu quả của ám thị: “Lúc ở trạng thái tiếp nhận ám thị cao nhất là lúc con người có thể tiếp xúc được với vô thức của mình để thông qua đó thay đổi được phần lớn những tư duy tiêu cực bằng những tư duy tích cực trong tiềm thức. Lập ra một hệ thống tư duy mới, cắt bỏ những nỗi sợ sệt, thay đổi và bỏ đi những cảm xúc tiêu cực có hại cho sức khỏe, hạnh phúc, công việc. Tìm và giải tỏa, tháo gỡ những cảm xúc và những nguyên nhân gây bệnh, cản trở mọi hoạt động trong cuộc sống… Bởi vậy, vì sao nói thôi miên là một phương pháp y khoa trị liệu mang lại sức khỏe, tinh thần cho con người”.
PGS.TS Trần Viết Nghị cho biết: Có nhiều phương pháp gây ra trạng thái thôi miên nhưng thông dụng nhất và dẫn đến thôi miên có hiệu quả nhất là nơi được bố trí riêng biệt (phòng riêng), có ánh sáng lờ mờ, hoàn toàn im lặng, lời nói ám thị bệnh nhân phải đều đều để bệnh nhân cảm giác buồn ngủ và dần dần chìm vào giấc ngủ thôi miên.
Tuy nhiên, theo phân tích của giới y học, không phải người nào cũng có thể điều trị được bằng liệu pháp thôi miên. Vì như đã nói bản chất của thôi miên là ám thị nên với những người bị loạn thần cấp và mãn tính, động kinh, chậm phát triển, sa sút trí tuệ, mắc các bệnh tổn thực thì chống chỉ định thôi miên.
Ông Phạm Vũ Khánh, Vụ Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế:Thôi miên chữa bệnh là phương pháp khá phổ biến ở các nước châu Âu như Nga, Đức, Pháp… từ lâu. Nhưng ở Việt Nam thì phương pháp này vẫn được coi là mới mẻ. Hiện thôi miên đã được nghiên cứu sâu dưới dạng y học hiện đại nhưng đây không phải là “thần pháp” để chữa bách bệnh. Do đó, không được lạm dụng. Bất kể một phương pháp điều trị nào cũng có những biến cố nhất định. Để giảm và tránh các biến cố xảy ra, bệnh nhân phải tuân thủ đúng chỉ định và chống chỉ định của bác sĩ, người điều trị bằng phương pháp thôi miên. |
Xuân Bách
Nguồn: http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/chua-benh-bang%E2%80%A6–thoi-mien.html