Nguy cơ nhiễm độc từ đồ gia dụng bằng nhựa

Thứ Ba, 19/03/2013 10:47

Đã có rất nhiều thông tin về đồ gia đụng bằng nhựa có chứa chất độc hại, dường như người tiêu dùng vẫn thờ ơ với sức khỏe của chính mình, điều này thể hiện rõ ở việc các vật dùng bằng nhựa bày bán tràn lan trong chợ, nhất là các chợ phiên ở nông thôn, miền núi, ngoài hè đường vẫn rất được ưa chuộng.

“Chiếm lĩnh thị trường”

Trên thị trường hiện nay, các vật dụng làm bằng nhựa vô cùng đa dạng, mẫu mã phong phú và được các bà nội trợ rất ưa chuộng. Từ bát, đĩa, cốc, các loại hộp đựng… được bày bán từ khắp các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, vỉa hè…  Đa số những người được hỏi đều cho rằng, đồ nhựa có giá thành khá rẻ, dùng lại bền, tiện lợi. Nhất là những gia đình có con nhỏ thì những vật dụng bằng nhựa là sự lựa chọn đầu tiên vì họ cho rằng, trẻ con không nên dùng đồ thủy tinh hay sành sứ vì có thể làm vỡ gây nguy hiểm.

 lo-vi-song

Không nên sử dụng đồ nhựa trong lò vi sóng. 

Không chỉ các hộ gia đình dùng vật dụng làm từ nhựa, các cửa hàng bán đồ ăn, đồ uống đa phần cũng sử dụng đồ nhựa. Theo quan sát, phần lớn quán ăn hay các quán nước vỉa hè, loại cốc được sử dụng cho khách đều là cốc nhựa. Lý do đơn giản là vì nó nhẹ, bưng bê cũng dễ dàng. Nếu dùng cốc bằng thủy tinh hay sứ thì công vận chuyển đi lại sẽ khó hơn nhiều, vừa nặng lại dễ vỡ.

Nhiễm độc từ đồ dùng bằng nhựa

Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều về đồ ăn, thức uống độc hại nhưng dường như người dân vẫn không để tâm, chủ quan với chính sức khỏe của bản thân và gia đình.

Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc vừa cảnh báo, những người chuyên ăn sáng bằng bát đĩa làm từ nhựa có nồng độ nhiễm melamine cao gấp 8 lần so với nhóm người dùng đồ sứ.

Melamine là một loại hóa chất hữu cơ được dùng rộng rãi trong sản xuất đồ nhựa như bát, đĩa hay cốc, hộp đựng thức ăn bằng nhựa… Các chuyên gia đã cảnh báo, các vật dụng bằng nhựa khi đựng thức ăn nóng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng.

Nghiên cứu cho biết: Nếu một người ăn nhiều hơn hai lần sử dụng bát đĩa nhựa mỗi ngày, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm tối thiểu là 0,0083mg melamine. Mặc dù con số này là khá nhỏ nhưng lại đáng lưu tâm đối với những người yếu thận như trẻ em và phụ nữ mang thai.

CPCHE (Tổ chức Sức khỏe và Môi trường Trẻ em Canada) khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá tin tưởng vào mác “an toàn khi sử dụng trong lò vi sóng” đối với các sản phẩm về nhựa. Tốt hơn hết là không nên sử dụng hộp nhựa hoặc bọc thức ăn bằng nhựa trong lò vi sóng vì các hóa chất độc hại có thể ngấm từ nhựa vào thực phẩm và đồ uống.

Thực phẩm nên được bảo quản trong các hộp thủy tinh hoặc gốm thay vì hộp nhựa. Và người tiêu dùng nên tránh nguy cơ tiếp xúc với Bispheol – A (BPA), một hóa chất trong suốt dùng để tráng bên trong các hộp đựng bằng nhựa và kim loại để chống thấm và ăn mòn. Nó nguy hiểm khi bao bì được đun nóng, hay làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh, hoặc tiếp xúc với thức ăn, đồ uống có tính a xít là có thể thôi nhiễm…

BPA là hóa chất hay dùng sản xuất nhựa PC (loại vẫn dùng để sản xuất bình sữa trẻ em – lứa tuổi chưa có men giúp tiêu hủy BPA ra khỏi cơ thể). Nếu BPA vào cơ thể trẻ nhỏ có thể gây ảnh hưởng không tốt đến nội tiết của trẻ. Các nhà khoa học đã thử nghiệm trong các dung môi hòa tan trong nước, rượu, thực phẩm… thấy bình sữa có BPA có thôi nhiễm, tan ra rất nguy hiểm cho trẻ em bởi nó tích lũy trường diễn, tác động vào não làm trẻ đần độn, tác dụng vào gan gây viêm gan…

Bên cạnh đó, CPCHE cũng khuyến khích các bậc cha mẹ tránh mua những đồ chơi cho bé ngậm lúc mọc răng, đồ chơi trong bồn tắm, yếm, rèm tắm và các sản phẩm khác có chứa PVC, một loại nhựa mềm thường được gọi là nhựa vinyl. Những sản phẩm này có thể chứa các hóa chất độc hại có tên phthalates vốn bị cấm sử dụng trong sản xuất đồ chơi trẻ em kể từ tháng 6/2011.

Cho đến nay, việc sản xuất bao bì chất dẻo dùng trong thực phẩm ở nước ta vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đa số đều do các cơ sở tư nhân sản xuất từ nhựa tái sinh trên những thiết bị thô sơ, không đủ yêu cầu kỹ thuật, do đó thường có chứa các yếu tố độc hại với cơ thể. Bên cạnh đó, trên các đồ dùng nhựa của nước ta cũng chưa ghi rõ thành phần và những khuyến cáo, nên người tiêu dùng nhiều khi chưa biết cách sử dụng sao cho hợp lý và an toàn nhất.

Do vậy, để đảm bảo sức khỏe của chính mình và người thân, nên hạn chế dùng đồ nhựa mà nên thay thế bằng đồ dùng bằng gốm, sứ, thủy tinh… Nếu  dùng đồ nhựa thì không nên sử dụng để đựng thức ăn nóng vì hóa chất độc hại có thể ngấm vào thức ăn, đồ uống gây nguy hại cho sức khỏe.

Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người sử dụng hộp xốp, hộp nhựa: Không dùng hộp xốp chứa đựng các loại thức ăn, đồ uống nóng trên 100oC, nhất là các loại thức ăn rán có nhiều mỡ đang nóng; không dùng hộp xốp chứa đựng thức ăn, đồ uống chua (dưa muối, sa lát trộn dấm, nước chanh, nước chè chanh…) hay mỡ, dầu ăn; không dùng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm chứa trong hộp xốp; chỉ dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; chỉ dùng một lần, không nên dùng trong thời gian dài.

Minh Anh

http://suckhoedoisong.vn/20130319104148713p44c114/nguy-co-nhiem-doc-tu-do-gia-dung-bang-nhua.htm

 


Notice: Trying to access array offset on value of type bool in /www/tribenhkhongdungthuoc/wp-content/themes/flatsome/inc/shortcodes/share_follow.php on line 29

Leave a Reply