Trong tương lai không xa, mỗi đồn công an Nga sẽ có một nhà thôi miên. Chuyên gia này sẽ giúp cảnh sát tiến hành các cuộc điều tra tội phạm có hiệu quả hơn. Yiri Lekanov, thủ trưởng cơ quan điều tra tội phạm Nga, cho biết thêm: “Nhu cầu về chuyên gia tâm linh giỏi thuật thôi miên rất lớn”

Phục hồi “bộ nhớ”

Trên thực tế, nhiều công an viên của các thành phố lớn ở Nga hiện nay đảm nhiệm vai trò chuyên gia về thuật thôi miên. Một trong những người nổi tiếng trong lĩnh vực này là đại tá Alexei Skripnikov. Thành tích gần đây nhất của Skripnikov là giúp công an Permi bắt được một kẻ giết người hàng loạt nhiều năm liền nằm ngoài vòng pháp luật. Tên này đặc biệt thích tấn công công an để giựt súng đi gây tội ác. Nhờ thôi miên các nhân chứng, Skripnikov đã phác họa được chân dung của tên giết người và sau đó đã bắt được hắn. Đó là một nhân viên cứu hỏa.

Theo ông Lekanov, thông thường các nhân chứng bị sốc mạnh cho nên nhất thời không nhớ được nhân dạng và đặc điểm của tên tội phạm. Nhà thôi miên sẽ giúp các nhân chứng phục hồi “bộ nhớ” trong khi bị thôi miên. Phương pháp này hoàn toàn giống như công việc của nhà tâm lý học.

Ông Lekanov cho biết việc dùng thuật thôi miên trong công tác điều tra tội phạm hình sự thật ra đã có từ hai mươi năm nay trong ngành công an Nga và tòa án. Tuy nhiên, do thiếu chuyên gia giỏi, nó không được phát triển như mong muốn của các nhà điều tra. Hơn nữa, công việc có vẻ nặng về tâm linh này không được một số lãnh đạo ngành ủng hộ cho lắm.

Bản thân Lekanov đã có kinh nghiệm trong chuyện này cho nên ông vẫn kiên trì thuyết phục cấp trên. Số là ông có một người bà con tìm cách bỏ thuốc lá nhưng trầy trật mãi mà không bỏ được. Ông Lekanov nhờ nhà tâm lý học Vladimir Kucherenko dùng thôi miên giúp người bà con của ông được toại nguyện. Từ đó về sau, ông Lekanov đã sử dụng khả năng kỳ lạ của Kucherenko trong các cuộc điều tra hình sự. Nhà tâm lý học Kucherenko nay không còn cộng tác với Lekanov nữa vì đã lớn tuổi. Tuy nhiên, phòng làm việc của Lekanov đã bổ sung kịp thời một chuyên gia về tâm lý khác. Đó là một đệ tử chân truyền của Kucherenko.

Thôi miên là gì?

Một chú thỏ chết trân không thể cục cựa vì bị một con trăn nhìn thẳng vào mắt. Một người đi đường gặp một phụ nữ dân tộc du mục Gypsy gốc châu Á trao đổi đôi ba câu rồi tự nhiên có bao nhiêu tiền đều móc ra cho bà này. Một nhà ảo thuật dùng bàn tay múa may làm một khán giả ngủ trên sân khấu. Những hiện tượng này gọi là thôi miên.

Nhưng nhiều khi không cần nhìn vào mắt hoặc dùng tay làm các động tác bí ẩn cũng có thể làm đối tượng rơi vào giấc ngủ thôi miên. Chính vào lúc này người bị thôi miên có thể nhớ lại tất cả những sự kiện trong quá khứ. Họ cũng có thể tưởng tượng hoặc cảm xúc theo sự sai khiến của người thôi miên qua giọng nói. Lợi dụng trạng thái dễ bị sai khiến bằng lời nói này, những nhà tâm lý học chữa bệnh được nhiều bệnh cho bệnh nhân.

Dùng thuật thôi miên để chữa bệnh được biết đến từ thời xa xưa. Thời Hy Lạp cổ đại, nhiều tu sĩ đã biết phát minh ra một nghi lễ thôi miên đặc biệt để chữa bệnh. Người Ai Cập cổ đại và người Ấn Độ cũng biết thuật thôi miên. Đặc biệt người Ấn Độ chỉ thôi miên thú vật như rắn và cọp.

Ở Nga, việc nghiên cứu cơ chế thôi miên phát triển khá mạnh vào cuối thế kỷ 19. Ivan Pavlov là người có những hiểu biết sâu về thôi miên. Theo ông, trong giấc ngủ thôi miên có một số tế bào não vẫn còn thức và chịu sự sai khiến qua giọng nói người thôi miên.

Theo bản tin điện tử Pravda. ru, trường phái thôi miên của Liên Xô được xem là tiên tiến nhất thế giới từ năm 1920 đến 1960. Các nhà thôi miên Liên Xô chữa đủ thứ bệnh từ huyết áp cao đến liệt dương. Pavel Bul, chuyên gia chữa bệnh bằng liệu pháp tâm lý nổi tiếng ở Liên Xô, còn thực hiện các buổi chữa bệnh bằng thôi miên qua sóng truyền hình. Kết quả thật bất ngờ. Điều này chứng tỏ rằng có nhiều khán thính giả rất nhạy cảm với thôi miên.

Hitler từng bị thôi miên

Năm 2003, nhà văn và nhà sử học David Lewis đã gây xôn xao dư luận nước Đức khi ông tiết lộ trong quyển sách Người sáng tạo Hitler rằng nhà độc tài này đã từng bị thôi miên hồi thế chiến thứ 1. Người thôi miên là Edmund Foster, nhà tâm lý học hàng đầu của Đức lúc bấy giờ. Ông đã thực hiện những cuộc thử nghiệm thôi miên với Adolf Hitler vào tháng 11-1918.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành tại một quân y viện Đức. Bệnh nhân Hitler nhập viện trong điều kiện rối loạn tâm lý. Hitler cho rằng mình bị mù sau khi bị tấn công bằng khí gas. Tuy nhiên, các bác sĩ chẩn đoán thị lực ông ta vẫn còn tốt.

Bác sĩ Foster thấu hiểu bệnh tình của Hitler bèn quyết định chữa bệnh hoang tưởng này bằng thôi miên. Ông bảo với Hitler rằng tuy bị mù nhưng thượng đế đã biến ông ta thành một người đặc biệt. Hitler có thể sáng mắt trở lại bằng sức mạnh ý chí của bản thân. Nói cách khác, bác sĩ Foster khôi phục lòng tự tin của Hitler và ông ta cảm thấy hết bệnh thật. Từ đó Hitler ngộ nhận có những khả năng siêu phàm nên mới có những hành động khác người. Bác sĩ Foster đã bị mật vụ Đức quốc xã thủ tiêu năm 1933 vì ông này tìm cách tiết lộ ra nước ngoài chân dung tâm thần của Hitler và kể lại những thử nghiệm tâm lý của ông với Hitler

HỒNG NGỌC ( theo http://www.nld.com.vn/225160P0C1006/dieu-tra-hinh-su-bang-thoi-mien.htm)