Bệnh nhân được gây ngủ bằng thôi miên cảm thấy ít đau đớn sau phẫu thuật, dù lượng thuốc giảm đau được dùng giảm đi nhiều. Thời gian nằm viện cũng rút ngắn lại.
Viện Pitíc Salpêtrière ở Paris (Pháp) từ 4 năm nay đã mở lớp đào tạo cho thày thuốc và phát bằng đại học duy nhất ở châu Âu về gây ngủ bằng thôi miên. Kỹ thuật này có lợi trong phẫu thuật và điều trị tâm lý. Tháng hai lần, các thầy thuốc chuyên khoa dị ứng, gây mê, nhi khoa, tâm thần… đã đến theo học lớp ứng dụng thôi miên trong y học.
Tại viện Pític, sinh viên thi lấy bằng bác sĩ phải làm việc 2 năm để hợp thức hóa kỹ thuật này. Việc đào tạo đạt nhiều thành công đến nỗi viện phải từ chối nhận nhiều sinh viên.
Gây ngủ bằng thôi miên đã được nhà phẫu thuật người Anh James Braid nói tới từ năm 1843. Kỹ thuật này dần bị lãng quên và cho tới sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918) mới được sử dụng để chăm sóc những người lính bị choáng vì tâm lý.
Ở Mỹ, từ 1950, Milton Erickson đã nhắc lại về gây ngủ bằng thôi miên, chứng minh lợi ích của nó trong điều trị và thành lập Hiệp hội Mỹ về thôi miên gây ngủ lâm sàng.
Khi được gây ngủ bằng thôi miên, não quản lý tốt hơn sự đau đớn. Bệnh nhân cảm thấy ít đau sau phẫu thuật, dù lượng thuốc giảm đau bị cắt bớt. Thời gian nằm viện giảm trung bình một ngày. Thời gian nghỉ điều dưỡng để trở lại làm việc giảm từ 36 xuống còn 10 ngày.
Đã có 4.300 ca phẫu thuật có sử dụng thôi miên gây ngủ được tiến hành ở viện Liège (Bỉ) từ năm 1994, chủ yếu trong phẫu thuật nha khoa, tạo hình (cấy ghép).
Về hiệu quả của thôi miên gây ngủ, đến nay các nhà chuyên môn vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều bác sĩ tâm lý coi kỹ thuật này là một công cụ tuyệt vời nên đã ứng dụng nó suốt mời mấy năm hành nghề. Nhưng cũng có người cho rằng đây chỉ là một trong 700 phương pháp điều trị bằng tâm lý, và hiệu quả còn hạn chế.
Dù thế nào, kỹ thuật gây ngủ bằng thôi miên cũng đã được phục hồi trong y học và đem lại kết quả thực tế đáng kể
( theo Sức Khỏe & Đời Sống)