Ngày 18/2/2013, Công an phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết đơn vị nhận được tin báo của chị Vũ Hoàng Điệp (33 tuổi, trú tại ngõ 29 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội) bị thôi miên cướp tài sản với giá trị lên tới 1,5 tỉ đồng. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã khẩn trương đến hiện trường tiến hành điều tra, truy tìm đối tượng.Theo trình bày của chị Vũ Hoàng Điệp, vào khoảng 16h15′ ngày 18/2, khi chỉ có mình chị trông coi cửa hàng “Mỹ phẩm Châu Âu Hoàng Điệp” (số 490 Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa) thì có một phụ nữ vào xem hàng. Lợi dụng lúc chị Điệp không để ý, đối tượng này đột nhiên xõa tóc và chị Điệp dần khuỵu xuống mê man. Khi tỉnh dậy, chị Điệp phát hiện mất 35.000 euro, 1.900 USD, 48 triệu đồng và 2 điện thoại Iphone, 1 thẻ ATM. Tổng số tài sản bị mất lên tới hơn 1,5 tỉ đồng. Tối cùng ngày, chị Điệp đã đến Công an phường Nam Đồng trình báo.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân, Chuyên gia tâm lý, kiêm chuyên gia thôi miên và thôi miên trị liệu phân tích: Đứng về góc nhìn tâm lý chúng ta sẽ nhận ra rằng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ phản ứng của chị Vũ Hoàng Điệp không hoàn toàn phù hợp với tình huống đã xảy ra. Nếu đúng là sự việc đã xảy ra hoàn toàn đột ngột và không thể lý giải được như chị Điệp đã kể mà hậu quả của nó lại làm cho gia đình chị đã bị thiệt hại rất nặng nề và nghiêm trọng về kinh tế như vậy thì tâm lý của những người bị hại như chị thông thường có diễn biến: Sau khi họ nhận biết được đã bị lừa mất 1 khối lượng tài sản lớn do kẻ gian (không quen biết) gây ra thì ngay lập tức lúc đó sẽ bị cảm giác tiếc của và cảm xúc tức giận, thậm chí căm thù cùng động cơ săn tìm để lấy lại tài sản cũng như trả thù kẻ đã gây ra thiệt hại cho họ ức chế và thúc đẩy (những diễn biến này là cơ chế tự vệ của bản năng con người nó được diễn ra trong vô thức mà ý thức hệ không thể cưỡng lại được). Căn cứ vào thực tế giá trị của những thiệt hại đã xảy ra đối với họ mà những cảm giác và cảm xúc này sẽ tạo nên một áp lực, gây ức chế tâm lý và thúc đẩy họ làm cho họ bị thẫn thờ, rối loạn, lo sợ hay ráo riết tìm được kẻ gây hại để trả thù… Cũng vì những ức chế mà ý thức hệ không thể cưỡng lại được như đã phân tích sơ qua này, thì trong trường hợp này thông thường chậm nhất là sau 1 tiếng đồng hồ, họ đã phải trình báo công an với hy vọng ít nhất vẫn có cơ hội tìm lại được số tài sản mà họ đã bị mất hoặc ít nhất cũng là còn có cơ hội để trả thù kẻ đã gây ra thiệt hại cho mình, nhưng ở đây thì sự việc xảy ra lúc khoảng 16 giờ chiều mà tới tối cùng ngày chị Điệp mới ra công an trình báo là quá bình tĩnh và chúng ta không hề thấy phản ứng tâm lý của sự việc tìm kiếm hay trả thù. Ở đây chỉ thấy trách nhiệm của một công dân trước những điều sai trái trong xã hội, và trong trường hợp này không hoàn toàn phù hợp với diễn biến và phản ứng tâm lý tự nhiên của con người.
Thạc sĩ Quân khẳng định thôi miên không thể lừa được bất kỳ người nào kể cả khi họ trong trạng thái thôi miên sâu nhất. Trên thực tế, thôi miên có thể giúp người ta làm được rất nhiều điều mà bình thường họ không thể làm được, từ kích hoạt sức đề kháng của cơ thể tới việc kích hoạt trí tuệ làm tăng khả năng ghi nhớ, đến việc thay đổi tính cách hoặc chữa các bệnh do rối loạn hoặc ức chế tâm lý trong việc điều trị mất ngủ, tăng hoặc giảm cân, đến việc chữa các bệnh về thực thể như làm lành các vết thương hoặc chữa các bệnh đau mãn tính… Nhưng yếu tố kiên quyết bắt buộc phải có là: Phải có sự kết hợp và hợp tác chặt chẽ của thân chủ (người được thôi miên) và hơn nữa sự thay đổi đó bản thân người được thôi miên phải rất muốn được có. Trong trường hợp này là bị mất tài sản, bởi vậy không có người nào muốn. Trong trạng thái thôi miên (nếu để trị liệu) thì cả cơ thể và tinh thần của họ rất thoải mái và thư giãn (như ngủ). Nhưng trên thực tế thì người ta lại rất tỉnh táo. Ngay kể cả trong thôi miên biểu diễn hay thôi miên trị liệu thì người được thôi miên cũng luôn luôn tỉnh táo mà không bao giờ bị mê man, vì vậy không có bất cứ một người nào có thể sử dụng thôi miên để làm một việc mà người được thôi miên không muốn! Có một số giả thuyết có thể giải thích phần nào về thủ đoạn của các đối tượng như dùng ảo thuật, hoặc lợi dụng yếu tố có lợi và an toàn tâm lý của con người, hoặc dùng một loại ma túy đặc biệt… song hầu như khi áp dụng vào tình huống trên đều thấy không hợp lý. Khả dĩ nhất là sử dụng thuốc gây mê dưới dạng thuốc ngủ hoặc cồn ête… Tuy nhiên, khi kẻ gian sử dụng hình thức này, chúng phải tìm cách để cho chất gây mê vào đồ ăn, đồ uống hoặc phải để cho người bị hại hít được một lượng cồn ête nhất định, đủ để ức chế vào não và hệ thống thần kinh làm cho người bị hại bị mê man bất tỉnh trong một khoảng thời gian (lâu hay mau là phụ thuộc vào lượng thuốc gây mê mà người bị hại đã uống hoặc hít phải). Một cán bộ Công an quận Đống Đa cho biết, có khả năng đây là một vụ dàn dựng hiện trường. Tuy nhiên vị cán bộ này cho hay, hiện các chiến sĩ thuộc đơn vị đang tiến hành điều tra thu thập thông tin và hình ảnh từ camera của cửa hàng. Theo thông tin mới nhất của phóng viên, tối ngày 21/2/2013 Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ đối tượng Lê Thị Hồng Thiệp (46 tuổi, quê Thái Nguyên, hiện trú tại tổ 12 phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi trộm cắp tài sản. Thiệp là đối tượng có hai tiền án về tội lừa đảo và trộm cắp tài sản. Tuy nhiên tại Cơ quan điều tra, Thiệp dùng mọi thủ đoạn quanh co, chối tội. Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ tin báo mất trộm 1,5 tỉ của bị hại Vũ Hoàng Điệp là hoang báo. Trên thực tế Điệp chỉ bị mất một túi xách trong có 2 chiếc điện thoại di động Iphone 3 và Iphone 5 cùng một ít tiền lẻ. Điệp cũng cho biết đã khai vống lên số tiền 1,5 tỉ vì nghĩ rằng với số tiền lớn như thế thì Cơ quan Công an sẽ tích cực điều tra để trả lại tài sản cho Điệp, để “thử tài” Công an Việt Nam (?) |
||
M.Tiến – V.Anh – H.Vũ |
http://antg.cand.com.vn/vn-vn/vuan/2013/3/80205.cand