Hồi âm loạt bài “Giải mã bí mật chữa bệnh bằng thôi miên”:
GiadinhNet – Sau khi GĐ & XH Cuối tuần đăng tải loạt bài “Giải mã bí mật chữa bệnh bằng thôi miên”, rất nhiều độc giả đã điện thoại, gửi thư về toà soạn cảm ơn, đồng thời nêu lên một số thắc mắc đề nghị giải đáp.
Do khuôn khổ tờ báo có hạn nên chúng tôi xin trích đăng các ý kiến của độc giả và trả lời của các đơn vị, cá nhân liên quan…
|
Người bệnh không nên lạm dụng phương pháp chữa bệnh bằng thôi miên, chỉ nên sử dụng khi được
chỉ định đúng bệnh. Ảnh: KH
|
Trung tâm có đáng tin không?
Trong thư gửi toà soạn, độc giả Nguyễn Quốc Tuấn (nqtuan17@yahoo.com, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) viết: “Tôi vô cùng cảm ơn quý Báo đã có những thông tin rất bổ ích. Sau khi đọc ý kiến phát biểu của ông Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng vụ Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế thì tôi thấy bức màn bí ẩn của thôi miên đến nay đã được mở. Tôi hiểu rằng không có thứ thuốc hay liệu pháp nào chữa được bách bệnh, nhưng với những bệnh mà thôi miên có thể chữa trị, theo thông tin mà Báo đưa, như vậy cũng đã rất có giá trị, bởi thôi miên không hề sử dụng đến thuốc, không phải đưa hóa chất vào cơ thể con người. Theo ông Khánh, thôi miên y khoa là y học hiện đại, vậy tại sao ở Việt Nam hiện nay lại chưa có trường nào đào tạo môn trị liệu này để ứng dụng trong cuộc sống? Hoặc giả đã có những trường đào tạo mà tôi chưa biết, thì tôi có thể tìm hiểu ở đâu? Để học được môn thôi miên trị liệu này thì cần phài có điều kiện gì?”.
Độc giả Phạm Thúy Nga (ptnga60@yahoo.com) chia sẻ: “Là một bệnh nhân bị mất ngủ và đau vùng thượng vị mãn tính, sau khi đọc thông tin về khả năng chữa bệnh bằng thôi miên trên báo GĐ & XH, tôi rất mừng. Nhưng khi gọi điện đến số điện thoại mà Quý báo cung cấp, thì người ta chỉ có tư vấn và trả lời rằng đó là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đào tạo, chứ không chuyên về chữa bệnh. Họ nói nếu chúng tôi vẫn có nguyện vọng xin trị liệu thì lại phải ghi và trả lời vào đơn trị liệu, và vì lượng khách đăng ký trị liệu rất đông nên thời gian chờ sẽ kéo dài hàng năm. Họ chỉ thực hiện trị liệu ngay đối với những trường hợp bị bệnh cấp. Là bệnh nhân, chúng tôi không thể chờ đợi quá lâu như vậy. Vậy ngoài cơ sở mà Quý báo cung cấp, có còn tổ chức nào uy tín chữa bệnh bằng thôi miên nữa không? Nếu có thì cơ sở đó ở đâu?”.
Còn bạn đọc Nguyễn Văn Dũng (nguyen_van_dung@yahoo.com, trú tại Ba Đình, Hà Nội) thì băn khoăn: “Tôi thấy thôi miên là khoa học và đã được nghiên cứu sâu dưới ánh sáng y học hiện đại, nếu khả năng chữa trị bệnh tật của nó đúng như mô tả thì đó quả là “thần pháp” rồi. Nhưng Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể-Tâm-Trí là trung tâm nào, hoạt động có chính thống và được cấp giấy phép không?”.
Độc giả Vũ Quang Tùng (tungvq21@yahoo.com), một người đang công tác trong ngành y cũng có cùng nỗi băn khoăn như trên. Độc giả này viết: “Là một bác sĩ, tôi hiểu được tác dụng của thôi miên trị liệu, và cũng như những thông tin mà trên báo đã đăng, là liệu pháp này cho đến nay mới chỉ được nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tại Mỹ và Châu Âu, chứ tại Việt Nam thì theo tôi biết, chưa có người nào có đủ khả năng và hiểu sâu về lĩnh vực này. Chính tôi rất muốn học để có thêm một phương pháp trị liệu, nhưng lại không có điều kiện ra nước ngoài. Qua báo, tôi biết về Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể-Tâm-Trí, vậy trung tâm này có tin cậy hay không, trực thuộc đơn vị nào?”.
Bạn Phan Việt Hoàng (hoangpv55@gmail.com, Đống Đa, Hà Nội) quan tâm tới vấn đề thôi miên ở khía cạnh khác. Trong thư độc giả này viết: “Xin hỏi ở Việt Nam đã có trường nào đào tạo về thôi miên y khoa hay chưa, nếu có thì để thi vào trường đó cần phải có những điều kiện gì? Đề nghị quý báo tiếp tục thông tin”.
|
Một bệnh nhân đang điều trị bằng phương pháp thôi miên tại
Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể – Tâm – Trí. Ảnh: PV
|
Có quyết định thành lập
Những băn khoăn, thắc mắc của độc giả còn nhiều, song cơ bản tập trung vào một số vấn đề chính. Đó là Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể -Tâm – Trí hoạt động có chính thống và được cấp giấy phép không? Ngoài Trung tâm này còn có trung tâm uy tín nào khác? Bệnh nhân muốn đăng ký khám tại Trung tâm cần thủ tục gì? Việt Nam có trường nào dạy về chữa bệnh bằng thôi miên? Sau khi tìm hiểu, chúng tôi chuyển xin thông tin tới bạn đọc:
Thứ nhất, Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khoẻ Thể – Tâm – Trí trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có Quyết định thành lập số 422/QĐ-LHH ngày 21/6/2011 do Phó Chủ tịch thường trực Hồ Uy Liêm ký. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của Trung tâm có số đăng ký: A – 976, cấp ngày 30/6/2011, do Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân ký.
Thứ hai, dù thôi miên y khoa là lĩnh vực khoa học đã được nghiên cứu và ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới, nhưng lại khá mới mẻ tại Việt Nam, do vậy hiện nay ngoài Trung tâm Thể – Tâm -Trí thì tại Việt Nam chưa có trung tâm nào khác làm nhiệm vụ tương tự.
Thứ ba, Trung tâm Thể-Tâm-Trí có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, ứng dụng, đánh giá, xây dựng mô hình phát triển về thể chất, tâm lý, trí tuệ…chưa đăng ký chức năng điều trị. Tuy vậy, Trung tâm cũng có chức năng đào tạo, tư vấn và ứng dụng, vì vậy trong những trường hợp đặc biệt Trung tâm vẫn có thể tiến hành kết hợp với các bác sỹ chuyên ngành tại Việt Nam để trị liệu ứng dụng cho mọi người và thông thường là miễn phí.
Bệnh nhân muốn trị liệu cần có đơn xin đăng ký trị liệu (mẫu đơn có sẵn trong website của Trung tâm) và gửi về trung tâm. Nếu bệnh nhân trả lời thật đầy đủ, chi tiết mọi câu hỏi trong đơn thì sau một tuần kể từ lúc nhận đơn, Trung tâm sẽ trả lời, tư vấn và đặt lịch trị liệu cụ thể. Tuy nhiên do đội ngũ chuyên môn còn khiêm tốn về số lượng nên thời gian chờ đợi cũng tương đối dài.
Thứ tư, với câu hỏi của độc giả: “Tại Việt Nam đã có trường nào đào tạo về chữa thôi miên chưa?”, vấn đề này ông Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) trả lời: “Y học cổ truyền cũng có thôi miên dân gian, nhưng thôi miên chữa bệnh ngày nay đã được nghiên cứu dưới dạng y học hiện đại. Quan điểm của tôi không cổ súy, nhưng muốn chữa phải có chỉ định của bác sĩ, và phải là bác sĩ chuyên ngành thôi miên. Tiếc là Việt Nam chưa có bộ môn này. Nếu có nó sẽ nằm trong khoa thần kinh, do y học hiện đại quản lý”.
Còn ông Nguyễn Mạnh Quân (Chuyên gia thôi miên Y khoa CHLB Đức, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể-Tâm-Trí) cho biết: Để có thể tham gia nghiên cứu, học tập về thôi miên trị liệu, phải có đủ những tiêu chuẩn tối thiểu sau đây: Là người đã đủ tuổi 22 trở lên; Có trình độ học vấn từ THPT trở lên; Có ý thức và nguyện vọng học nghiêm túc; Không kỳ thị người khác, có khả năng giao tiếp nhất định; Không phạm tội hình sự (ít nhất là 3 năm trở lại đây); Nộp đơn và sau đó vượt qua được những câu hỏi test của Trung tâm (Tất cả những yêu cầu trên chỉ dành cho chương trình đào tạo Chuyên gia thôi miên, còn các Chương trình tập huấn chuyên đề thì không cần phải có những yếu tố này).
Ông Quân còn cho hay, Trung tâm cũng đang lên kế hoạch đào tạo đội ngũ tư vấn, trị liệu, tiến tới sẽ xin cơ quan chức năng mở Viện chữa bệnh thôi miên tại Việt Nam. Khi những dự định này thành hiện thực, Trung tâm sẽ thông tin tới độc giả.
Thư Kỳ – Thu Hương
Nguồn: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/benh-nhan-co-the-dang-ky-tri-lieu-20110812033832356.htm