Trong cuộc sống hằng ngày, ai chẳng có lúc lo âu. Ví như thời gian này học sinh lớp 12 đang lo cho kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học sắp tới, sinh viên năm cuối lo cho luận văn sắp tốt nghiệp, lo cho buổi bảo vệ, người chưa có việc làm lo cho buổi tuyển dụng sắp tới, một cô gái sắp kết hôn lo lắng cho cuộc sống vợ chồng…
Lo như vậy âu cũng là chuyện bình thường, thậm chí còn làm cho người ta sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn. Nhưng nếu lo âu thái quá, lo đến nỗi mất ăn mất ngủ, không làm được việc gì, lo tới mức làm người khác khó chịu, thì trở thành bệnh. Vừa vừa thì là bệnh lo âu. Nặng hơn thì có thể bị những cơn hoảng sợ, nếu những cơn ấy triền miên, dai dẳng thành ra bị bệnh hoảng sợ…
Thống kê của Mỹ cho thấy bệnh hoảng sợ chiếm khoảng 3% dân số, thường gặp ở lứa tuổi mới lớn. Trong số các bệnh lo âu gặp tại các phòng khám, thì bệnh hoảng sợ là thông thường hơn cả. Cơn hoảng sợ khá phổ biến: có tới 1/3 người lớn đã từng bị một hay nhiều cơn hoảng sợ.
Cơn hoảng sợ
Nếu bạn đã từng bỗng dưng vô cớ, hoặc là vì xúc cảm mạnh mà bị lên cơn xây xẩm mày mặt, tay chân run lẩy bẩy, đánh trống ngực như trống làng, thì có thể bạn bị lên cơn hoảng sợ. Khi xuất hiện những cơn hoảng sợ như vậy, người bệnh sợ hãi, cảm thấy như sắp chết, sắp phát điên. Mấy phút sau, cơn hoảng sợ qua đi, người bệnh dễ chịu hơn và khoảng một giờ sau sẽ trở lại hoàn toàn bình thường. Cơn hoảng sợ thường tới bất chợt và lên cao độ trong vòng không quá 10 phút. Người bị lên cơn bỗng thấy sợ hãi tột độ và khó chịu trong người, tim đập mạnh, có khi tức ngực, thở gấp, muốn nghẹt thở. Có người buồn nôn, nôn, run rẩy, lạnh toát mồ hôi, có những người khác lại thấy nóng bừng. Người xây xẩm chóng mặt. Đầu ngón tay có khi tê rần như kiến bò. Bệnh nhân thấy hoảng hốt, có khi như trong mơ, có người tưởng mình muốn phát điên hay là sắp chết. Một số người có cảm giác như sắp xảy ra chuyện gì nguy đến nơi và muốn vùng bỏ chạy.
Bệnh nhân đi khám bệnh tại phòng mạch hay tại phòng cấp cứu, vì nghi là bị một cơn đau tim hoặc một bệnh gì nguy hiểm tới tính mạng.
Bệnh hoảng sợ
Người bị những cơn hoảng sợ tái phát nhiều lần kèm thêm một trong những triệu chứng: luôn luôn lo lắng vì những cơn hoảng sợ sắp tới ; luôn luôn lo nghĩ về hậu quả của những cơn hoảng sợ; thay đổi tính tình và cách cư xử với mọi người xung quanh. Những người mắc bệnh này không dám đi đến những nơi mà ở đó , theo họ có những chuyện đáng sợ. Một số người không bao giờ dám đi thang máy bởi họ rất sợ hãi khi thang máy chuyển động. Một số người khác không bao giờ dám đi xem phim, xem hát… vì họ sợ nhà hát sẽ bị sập. Có những người không bao giờ dám đi máy bay vì luôn lo sợ máy bay sẽ rơi. Nhiều trẻ em không dám đến lớp học vì sợ bị các bạn đánh. Một số đàn ông không dám lấy vợ vì sợ phải đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống gia đình nên họ không dám gặp và nói chuyện với bất kỳ một người phụ nữ nào.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân gây bệnh rất khó xác định chính xác. Thông thường bệnh phát tác ở những người nhạy cảm, đa cảm, những người có trí tưởng tượng phong phú, những người trải qua những khó khăn về tâm lý, tình cảm lúc thơ ấu. Ở một số người, bệnh xuất hiện sau những biến cố trong cuộc đời như người thân mới mất, hoặc là chuyện tình đau buồn của tuổi trẻ… Có khi bị bệnh này cùng lúc với bệnh phiền muộn. Nếu bị cả hai bệnh một lúc, khả năng tự tử tăng gấp 14 lần so với người thường.
Điều trị
Với những trường hợp xuất hiện các cơn hoảng sợ lẻ tẻ, không hệ thống thì không cần chữa. Có một số người bị bệnh hoảng sợ thực sự rồi cũng tự nhiên hết sau một thời gian. Người bị bệnh lâu, nhất là nếu có ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường thì cần phải chữa trị. Việc chữa trị sẽ có hiệu quả tốt, nếu bệnh nhân hiểu được là bệnh gồm có hai mặt, một mặt là bất thường về sinh học (dùng thuốc để điều chỉnh), mặt nữa là những khúc mắc nội tâm cần được giải tỏa bằng tâm lý trị liệu (hay đơn giản hơn, có người chuyện trò giải tỏa thắc mắc cho).
Như vậy, việc chữa trị gồm hai phần, một là dùng thuốc, hai là tâm lý trị liệu.
Mục đích của tâm lý trị liệu là giúp bệnh nhân chấn chỉnh lại những suy tư lệch lạc, giải tỏa lo âu cũng như luyện cho bệnh nhân các phương pháp hô hấp và thư giãn. Thí dụ cho bệnh nhân tập thở nhẹ nhàng và chậm rãi để tránh kiểu thở gấp lúc lên cơn. Có khi cho bệnh nhân ngồi ghế quay, quay thật nhanh, hay là cho thở gấp một hồi tới khi có cảm giác như muốn xỉu. Cả hai loại động tác này làm cho bệnh nhân quen với cảm giác “muốn xỉu” và nhận ra rằng khi lên cơn thì cảm giác cũng tương tự thôi, không có gì nguy hiểm. Phần tâm lý trị liệu thực sự phải do bác sĩ chuyên khoa tâm thần đảm trách. Kết quả của tâm lý trị liệu khá tốt, nhưng người làm tâm lý trị liệu phải chiếm được lòng tin của bệnh nhân.
Dùng thuốc để chữa bệnh hoảng sợ có hiệu quả tới 80%. Nhưng thuốc phải dùng lâu dài, từ 6 tháng tới một năm, nếu không bệnh sẽ tái phát. Khi ngưng thuốc cũng phải ngưng dần dần để tránh phản ứng bất lợi. Thuốc dùng thuộc hai loại:
Thuốc chống phiền muộn vừa chữa trị các triệu chứng của bệnh hoảng sợ, vừa chữa những trường hợp bị bệnh hoảng sợ đồng thời bị bệnh phiền muộn như đã nói trên.
Người ta hay dùng những thuốc tương đối mới, thuộc nhóm SSRI vì ít bị phản ứng phụ và việc sử dụng đơn giản, thí dụ prozac, luvox, paxil,…
Những thuốc khác, như tofranil, pamelor, norpramin cũng có dùng nhưng ít hơn.
Thuốc chống lo âu
Bệnh hoảng sợ trên căn bản là một bệnh lo âu, nhưng về thuốc men, thì những thuốc thường dùng trị lo âu lại đóng vai trò thứ yếu vì bác sĩ sợ bệnh nhân bị nghiền. Những thuốc hay dùng là xanax, ativan, klonopin,… Thuốc có hiệu quả mau hơn nhóm thuốc chống phiền muộn, vì vậy nhiều khi bác sĩ dùng trong thời gian đầu chờ đợi ảnh hưởng của thuốc phiền muộn. Những thuốc này khi ngưng phải giảm dần dần, thật từ từ trong vòng mấy tháng, nếu không sẽ gây phản ứng phụ.
http://suckhoedoisong.vn/2927p-1c19/lo-au-hoang-so-benh-hay-chuyen-binh-thuong.htm